Bộ trưởng xin thêm biên chế để chống buôn lậu
Các ĐBQH cho rằng nếu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dám hứa làm được, QH sẵn sàng cho tăng biên chế lực lượng quản lý thị trường.
Báo cáo tại phiên giải trình trước UB Kinh tế QH hôm nay (7/1), Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết từ năm 2010 đến nay đã xử lý hơn 828 nghìn vụ buôn lậu và hàng giả, có những mặt hàng gây xôn xao dư luận như gia cầm, thuốc lá…
Buôn lậu xăng dầu trên biển cũng tăng, gần đây nhất là vụ cảnh sát biển bắt tàu Haduco chở hơn 2 triệu lít dầu ngày 9/12/2013, và hải quan bắt tàu Trung Quốc vận chuyển 155 tấn dầu diesel ngày 3/3/2013.
Theo Bộ trưởng, đường biên giới dài cả trên bộ và biển khiến các lực lượng, mà ông Hoàng nhận định là “mỏng”, chưa thể kiểm soát hiệu quả.
Có bao che, bỏ qua, tiêu cực?
Cố tìm nguyên nhân cơ bản để giải quyết tận gốc, các ĐB “quay” Bộ trưởng Hoàng chuyện con người và lực lượng.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương, ủy viên UB Pháp luật, chỉ ra: Tàu Haduco từng bị bắt lại được thả tiếp tục buôn lậu; tàu Trung Quốc không đăng kiểm vẫn ngang nhiên hoạt động, cả biên phòng, cảnh sát biển đều "không biết" đến khi hải quan phá án; có vụ buôn lậu thuốc lá bốc hàng ngay cạnh đồn biên phòng…
Quản lý thị trường cũng là khâu yếu khi hàng giả tràn lan, tư thương ngang nhiên buôn bán bất cứ đâu, mặt hàng từ nhỏ đến to mà không lo lắng gì.
“Rõ ràng có những lực lượng làm chưa tốt, lấp ló những biểu hiện tiêu cực, bỏ qua cho buôn lậu”, ông Cương nhận định.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu một nguyên nhân mà báo cáo không đề cập: có tiêu cực ngay trong những người chống tiêu cực.
“Đây mới là cái gốc vấn đề, không phải cơ chế, phải đánh giá đúng mới giải quyết được”, ông Lịch nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận “chắc chắn là không thể không có” tiêu cực. “Nhưng theo chúng tôi, đó chỉ là thiểu số, nếu không thì mặt trận này không thể đạt kết quả như báo cáo, dù ĐB nói là không đạt yêu cầu”, ông Hoàng nói.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) lại phản ánh: Tôi nhận được nhiều khiếu nại, tố cáo rằng trong quản lý thị trường có sự bao che, tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trôi nổi.
“Trên 5.000 cán bộ quản lý thị trường cả nước trong những năm qua đã phát hiện bao nhiêu vụ, hiệu quả có tương ứng chi phí nuôi họ?”, ông Đương nêu.
Bộ trưởng Hoàng bảo vệ: ĐB cho 5.200 cán bộ là không ít, nhưng với thị trường phức tạp hiện nay, bình quân một địa phương chưa có đến 100 người là rất mỏng. Ông Hoàng cho biết chỉ dám xin thêm 1.000 biên chế trước mắt.
ĐB Trần Du Lịch yêu cầu làm rõ hiệu quả, vì “nếu cần, QH sẵn sàng đầu tư thêm kinh phí và tăng biên chế, miễn là Bộ trưởng cam kết sẽ làm được”.
Bộ trưởng Công thương cung cấp số liệu cho thấy lực lượng này góp phần khoảng ¼ số vụ bị đưa ra xử lý trong những năm qua.
Chính sách bị lợi dụng
ĐB Trần Du Lịch nhận định hàng lậu, hàng giả đang “phá hoại nền kinh tế Việt Nam”. Bộ trưởng nói giảm, chỉ cho là “ảnh hưởng tiêu cực”.
“Vì tỉ trọng hàng lậu so với hàng sản xuất trong nước, tôi khẳng định hàng nội vẫn áp đảo”, Bộ trưởng Công thương nói.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương tiếp tục: “Chính sách biên mậu, mỗi cư dân biên giới được phép giao thương 2 triệu đồng mỗi ngày, đang bị các đầu nậu lợi dụng bằng cách thuê dân làm cửu vạn xé lẻ hàng lậu mang qua biên giới vào nội địa. Chính sách ưu tiên luồng xanh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín cũng sơ hở, điển hình là vụ 230kg ma túy lọt cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ nhận định và cho biết đã đề nghị điều chỉnh chính sách: giảm số lượng mặt hàng và số lần được phép giao dịch, xem xét cho một số doanh nghiệp công khai mua lại hàng của cư dân biên giới…
“Nhưng căn cơ vẫn phải là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho cư dân biên giới, chứ biện pháp nào cũng là tạm thời”, ông Hoàng nói.
Ông Trần Du Lịch không đồng tình các lực lượng chỉ rượt đuổi những người vận chuyển thuê. “Cái gốc là phải bắt đầu nậu”, ông nói. “Đừng nói là không làm được, vì nếu họ không vận chuyển thuốc lá mà là vũ khí, hay trên đường cao tốc người ta không rải đinh mà rải truyền đơn, tôi cam đoan an ninh sẽ bắt được trong vòng 24 giờ”.
Cho rằng ông Lịch nói xác đáng, Bộ trưởng Hoàng cho biết vừa qua đã “đánh đầu nậu, đường dây, tổ chức” với các mặt hàng gia cầm, xăng dầu, thuốc lá... nhưng mức độ chưa đạt yêu cầu.
ĐB Đỗ Văn Đương lại thấy xử lý hình sự các vụ buôn lậu chưa được bao nhiêu. “Có gì vướng, khó khăn?” là câu hỏi của nhiều ĐB.
BT Hoàng chỉ có thể nói về lực lượng quản lý thị trường, rằng năm 2012 đã chuyển cơ quan công an 39 vụ.
Chia lửa với ông Hoàng từ phía Bộ Công an có đại diện cao nhất là Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm.
Ông Lực nêu khó khăn là các vụ buôn lậu lớn, nghiêm trọng như xăng dầu thường là trên biển, hải quan hay cảnh sát biển đều hạn chế về phương tiện không vươn tới được.
Còn “vướng” theo ông Lực là chưa có chế tài đủ mạnh. “Buôn lậu hàng chục tỷ đồng mà chỉ phạt đến 10 triệu thì không thể răn đe”, ông Lực nói.
Sự chênh nhau của các quy định cũng gây "vướng": Muốn xử buôn lậu phải chứng minh hàng hóa có qua biên giới, nhưng tội phạm bị bắt đều khai là mua, gom ở chợ từ cư dân biên giới; muốn xử hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải chứng minh có hậu quả nghiêm trọng…
Phiên chất vấn kết thúc với việc Bộ trưởng Công thương cam kết tiếp thu ý kiến ĐB và nỗ lực hơn.
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo