Bộ Tư pháp trả lời việc "bêu" người vi phạm ATGT
Vừa qua, Bộ Công an đã đưa nội dung trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2010/TT-BCA về việc thông báo người vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông. Điểm sửa đổi đáng quan tâm nhất là sau khi xử phạt, hàng tuần cơ quan chức năng sẽ thông báo tên người vi phạm giao thông đến địa phương, cơ quan quản lý và trên phương tiện thông tin đại chúng.
Dự thảo này công bố rộng rãi, và nhận nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Trong cuộc họp báo ngày 31/12, của Bộ Tư pháp vấn đề này được báo giới đặt ra đối với những người có trách nhiệm xây dựng luật.
Trả lời câu hỏi này của báo chí, ông Đỗ Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Tổ trưởng Tổ triển khai đề án về xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp), dự thảo này được Bộ Tư pháp và Bộ Công an phối hợp xây dựng. Sau khi dự thảo được công bố, Bộ Tư pháp cũng đã theo dõi và thấy dư luận trao đổi rất nhiều về vấn đề này.
Từ trước đến nay, trong các điều khoản của luật quy định những trường hợp xử phạt hành chính liên quan đến một số lĩnh vực như: An toàn thực phẩm, y tế, xây dựng… sẽ công bố công khai xử phạt lên phương tiện thông tin đại chúng. Đối với lĩnh vực giao thông thì chưa có quy định.
Theo ông Sơn, trước đây Bộ Công an cũng đã có quy định về trường hợp “bêu” tên nhưng đối với những cán bộ, công chức vi phạm lỗi nặng trong an toàn giao thông và vi phạm của họ sẽ thông báo về cơ quan để nhắc nhở.
Việc xây dựng dự thảo nêu tên người vi phạm giao thông lên báo chí, ông Sơn cho rằng sẽ xảy ra hai trường hợp. Một là, việc nêu tên sẽ chạm đến lòng tự trọng, danh dự của mỗi người nên họ sẽ rút kinh nghiệm và sẽ không tái phạm. Trường hợp thứ hai xảy ra là khi nên tên người vi phạm lên báo chí sẽ không phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính, đó là khi xử phạt thì phải bảo đảm danh dự, nhân phẩm của người bị phạt.
Theo lập luận của Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, việc người vi phạm an toàn giao thông đều đưa lên phương tiện truyền thông chưa chắc đã đạt được tính khả thi. Do vậy, dự thảo đang tiếp tục được Bộ Tư pháp và Bộ Công an trao đổi, thảo luận để vừa đảm bảo sự thượng tôn của pháp luật vừa đảm bảo tính răn đe./
End of content
Không có tin nào tiếp theo