Bộ Y tế: “Không công bố không có nghĩa là không có dịch sởi”
Trong buổi họp báo thông tin về phòng chống dịch sởi chiều 18/4, Bộ Y tế cho biết, đã có 112 trường hợp tử vong và nặng xin về trong đó có 105 ca tại Bệnh viện Nhi Trung ương, 4 ca tại Bệnh viện Bạch Mai, 1 ca tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và 2 ca ở tỉnh Yên Bái.
Phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi chiếm tới 76,5%, 87% ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắc xin phòng sởi.
Đáng chú ý, số ca tử vong đều ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc, trong đó Hà Nội chiếm khoảng 50% số trẻ tử vong do sởi. Hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp trẻ tử vong do sởi tại khu vực phía Nam.
Sởi xuất hiện trên diện rộng tại 61 tỉnh thành. Hiện chỉ còn 2 tỉnh chưa ghi nhận bệnh sởi là Cao Bằng và Bắc Kạn. Các địa phương có số trẻ mắc sởi cao là Hà Nội (1.062 ca), TP.HCM (theo báo cáo của bộ mới chỉ có 453 ca, thực tế đã gần 900 ca), Bình Dương (91 ca), Bắc Ninh (78 ca).
Tử vong chủ yếu do nhiễm khuẩn chéo
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phú, nguyên nhân chính khiến trẻ mắc bệnh nặng và tử vong cao là do các bà mẹ đã đưa trẻ đến khám chữa bệnh vượt tuyến tại các bệnh viện tuyến trung ương gây quá tải và sự nhiễm khuẩn chéo làm trẻ có thể vừa mắc sởi vừa mắc các bệnh đường hô hấp khác.
Bộ Y tế nhận định dịch sởi năm nay có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009 - 2010. Tuy nhiên, số trường hợp nặng và tử vong sẽ tiếp tục gia tăng.
Giải thích cho nhận định này, Bộ cho rằng ngoài nguyên nhân như đã nêu vì quá tải bệnh nhân nên việc kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện gặp khó khăn. Điều kiện thời tiết giao mùa thuận lợi cho bệnh viêm phổi phát triển.
Thêm vào đó, tâm lý lo lắng nên các gia đình đã đưa trẻ đến khám chữa vượt tuyến tại bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh ở TP. Hà Nội gây tình trạng quá tải đồng thời tăng nguy cơ lây nhiễm cao. Đây cũng là lý do các ca tử vọng và nghi nhiễm bệnh tăng cao ở TP. Hà Nội, ông Trần Đắc Phú cho hay.
“Không công bố không có nghĩa là không có dịch sởi”
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Thanh Long trước các câu hỏi của phóng viên xung quanh vấn đề vì sao Bộ Y tế không công bố dịch trong khi số người chết vì sởi ngày càng tăng cao.
Thứ trưởng Nam cho biết, vào tháng 5/2012, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn giám sát phòng chống dịch sởi, trong đó quy định rõ 1 ổ dịch có 2 trường hợp tử vong trở lên thì phải lập tức thông báo dịch. Còn về việc triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sởi thì ngay cả dù chỉ có 1 trường hợp tử vong cũng phải có, chứ không cần đợi đến dịch bùng phát.
Giải thích lý do vì sao chưa công bố dịch, Thứ trưởng Long nói: Hiện tại Bộ mới chỉ dùng từ thông báo, còn từ công bố là ở mức độ cao hơn thông báo.
Khi dùng từ công bố có nghĩa là dịch bệnh đang ở mức quá tầm kiểm soát, nhà nước phải sử dụng nhiều các biện pháp cưỡng chế hành chính như: đóng cửa các trưởng họp, hạn chế tham gia giao thông, họp chợ, cưỡng chế về mặt cách ly chứ không phải khuyến cáo như hiện tại nữa…
"Khi đó, chúng ta sẽ dùng từ công bố. Tuy nhiên, việc công bố hay không công bố không quan trọng bằng việc ngăn chặn dịch.
Muốn ngăn chặn dịch thì phải khuyến cáo, tuyên truyền làm sao để người dân chủ động đi tiêm chủng. Chỉ có tiêm chủng mới giúp phòng chống, ngăn chặn được dịch sởi", Thứ trưởng Long khẳng định.
Ngoài ra, về con số tử vong do sởi có sự chênh lệch lớn cũng là câu hỏi nhiều phóng viên quan tâm, Bộ Y tế đã chính thức có giải thích.
Theo đó, Thứ trưởng Trần Thanh Long khẳng định, Bộ không bưng bít thông tin về tình hình dịch sởi, 25 ca tử vong do sởi là hoàn toàn chính xác.
“Tại thời điểm tổng kết báo cáo Hội đồng chuyên môn khẳng định có 25 trường hợp bệnh nhi tử vong hoàn toàn do virus sởi. Những trường hợp khác chưa thể khẳng định chắc chắn vì trẻ có bội nhiễm nhiều virus khác hoặc trên nền cảnh đang có bệnh rất nặng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Có trường hợp tử vong, xét nghiệm sau cho thấy trẻ đã bị cùng lúc 3 virus tấn công, việc xác định đúng virus nào gây tử vong là rất khó. Việc công bố con số Bộ phải dựa trên kết luận khoa học, chứ không phải bưng bít thông tin”, Thứ trưởng Long phân trần.
End of content
Không có tin nào tiếp theo