Xã hội

Bộ Y tế sẽ quyết liệt xử lý nhanh vấn đề thay đổi tên gọi sữa

“Đến một ngày nào đó, chúng ta bán cổ phần các doanh nghiệp sữa của Nhà nước, không chi phối nữa. Lúc đó, các đại gia chi phối có còn mua sữa của bà con hay không hay mua sữa của Thái Lan hay tập trung mua sữa bột nhập khẩu? Các đại gia cũng có thể liên kết, sáp nhập không mua sữa của nông dân nữa. Lúc đó không có lợi cho cả ngành sữa và bà con nông dân”.

Đó là phát biểu hết sức mạnh mẽ của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tại Hội nghị giám sát chuyên đề đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 khu vực phía Nam tại TPHCM do Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức. Chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành Hội nghị.

Minh bạch để có thực phẩm sạch

Hội nghị giám sát chuyên đề diễn ra trọn vẹn trong ngày 6.3 với 20 ý kiến phát biểu tâm huyết đánh giá thực trạng đảm bảo An toàn thực phẩm tại Việt Nam, đưa ra những kiến nghị, giải pháp. Đáng chú ý nhất, Hội nghị đã mời một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thực phẩm để lắng nghe kiến nghị từ phía doanh nghiệp trong việc thực thi chính sách ở lĩnh vực này.

Theo các đại biểu, dù bức tranh về an toàn thực phẩm đã “tươi sáng” hơn với thực tế tăng trưởng mạnh các chuỗi sản xuất an toàn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có 61 tỉnh, thành phố xây dựng được 519 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó 224 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, tình trạng thực phẩm không nhãn mác, sử dụng phụ gia thực phẩm độc hại, các loại rượu pha cồn gây chết người vẫn còn phổ biến… 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cũng nêu thực tế nông sản Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự mất an toàn thực phẩm. Bà ví dụ, trên thế giới giá hạt tiêu đang tăng cao nhưng Việt Nam khó xuất khẩu vì dư lượng thuốc BVTV nhiều, thủy sản thì bán ở phân khúc thấp nhất về chất lượng (bán giá rẻ) vì bơm tạp chất. “Dùng chữ “kiên quyết” không chống được vì siêu lợi nhuận”- bà chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, ông Ngô Minh Hải, Tổng Giám đốc TH true MILK đã đưa tới hội nghị một góc nhìn mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, đó là minh bạch nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu để có thực phẩm sạch, từ đó người tiêu dùng sẽ có cơ hội lựa chọn thực phẩm sạch, tẩy chay thực phẩm bẩn.

 

Ông Ngô Minh Hải trình bày quan điểm của TH true MILK.

Ông chia sẻ về quy trình sản xuất sữa tươi sạch ở trang trại TH; tiến trình sản xuất áp dụng quy trình kiểm soát dịch hại tổng hợp (nguồn giống được lựa chọn kỹ càng có sức đề kháng cao và không mang mầm bệnh; đất trồng, nước tưới an toàn; sơ chế, bảo quản và phân phối, luôn đạt yêu cầu cao về tính kỷ luật và tuân thủ). Trên mỗi sản phẩm đều có cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, nguyên liệu một cách rõ ràng, minh bạch.

Tuy nhiên, về chính sách thì theo ông Hải còn nhiều điểm cản trở tính tuân thủ, đảm bảo an toàn thực phẩm trên bình diện chung. Nguồn gốc của vấn đề nầy là sự chưa minh bạch trong chính sách về tiêu chuẩn sản phẩm. Với ngành sữa, đó chính là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT) chưa rõ ràng.

Cụ thể, khái niệm sữa tiệt trùng được quy định trong QCVN 5-1:2010/BYT dùng để chỉ các sản phẩm sữa dạng lỏng chế biến từ sữa bột; hoặc sữa bột cộng với một phần sữa tươi là khái niệm chưa chính xác, Sữa tiệt trùng chỉ phản ánh được phương pháp xử lý nhiệt trong công nghệ chế biến, không phản ánh được xuất xứ nguyên liệu đầu vào (là yếu tố cơ bản tạo ra sản phẩm). 

Điều này gây nên nhiều hệ lụy, trong đó nổi cộm là gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về thông tin sản phầm, vi phạm quyền được thông tin của người tiêu dùng. Có nhiều khảo sát cho thấy phần lớn người tiêu dùng bị nhầm lẫn sữa tiệt trùng thành sữa tươi tiệt trùng. Điều này cũng ảnh hưởng lớn tới nông dân bởi không bán được sữa tươi (do doanh nghiệp nhập sữa bột về pha lại bán với giá rẻ hơn).

Bộ Y tế đã biết thực tế này và lấy ý kiến sửa đổi. Tuy nhiên, sau gần 2 năm kể từ khi Bộ Y tế bắt đầu lấy ý kiến sửa đổi và sau 9 tháng kể từ Hội thảo lấy ý kiến cuối cùng, QCVN 2010 vẫn không có bất cứ thay đổi nào. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Y tế cần nhanh chóng sửa đổi tên gọi sữa gây nhầm lẫn, minh bạch thông tin nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ nông dân.

 

Bộ Y tế sẽ quyết liệt xử lý

 Kiến nghị của TH true MILK đã được Bộ Y tế trả lời thẳng thắn, ngay khi được chủ tọa Hội nghị mời trả lời. Với khái niệm sữa, ông Trương Quốc Cường cho rằng, ông mới đảm nhận cương vị Thứ trưởng phụ trách mảng An toàn thực phẩm nên sẽ nghiên cứu kỹ đề xuất này. 

Ông cho biết, trước đó Hiệp hội Sữa Việt Nam, đại diện cho một số doanh nghiệp sữa cũng đã gửi kiến nghị giữ nguyên khái niệm sữa như hiện nay với lý do ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và phải thay đổi bao bì gây lãng phí.

Ông Cường không ngại bày tỏ quan điểm: Ngành sữa may mắn có các doanh nghiệp lớn, tổ chức sản xuất bài bản, nhà nước cũng có công cụ hữu hiệu để điều chỉnh giá, có chính sách phát triển sản xuất sữa tươi. Vì vậy, trẻ em được uống sữa với giá hợp lý. Đồng thời,  sản xuất sữa cũng là vấn đề lớn, các doanh nghiệp đang tổ chức chăn nuôi hoặc đang thu gom sữa của bà con, tạo việc làm cho nông dân, đây là hiệu quả rất lớn về an sinh xã hội.

Thứ trưởng Cường cũng chia sẻ: “Đến một ngày nào đó, chúng ta bán cổ phần các doanh nghiệp sữa của Nhà nước, không chi phối nữa. Lúc đó, các đại gia chi phối có còn mua sữa của bà con hay không hay mua sữa của Thái Lan hay tập trung mua sữa bột nhập khẩu? Các đại gia cũng có thể liên kết, sáp nhập không mua sữa của nông dân nữa. Lúc đó không có lợi cho ngành sữa và cả bà con nông dân. Đại gia bắt tay nhau chi phối thị trường thì khổ người dân. Minh bạch rõ ra thì ngành sữa được hưởng lợi và người dân cũng được hưởng lợi”.

 

Ngay tại Hội nghị, ông cho biết tuần tới sẽ làm việc với Hiệp Hội sữa về vấn đề này. “Nếu chỉ vì tốn chi phí bao gói mà không có cơ sở khoa học sẽ phải thay đổi. Vì thiệt hại bao gói, Bộ Y tế có thể kéo dài thêm 1 năm cho các doanh nghiệp chuẩn bị, tiêu thụ hết các bao gói để in. Tôi sẽ xử lý rất nhanh, không thể kéo dài như hai năm vừa qua. Điều đó thể hiện quyết tâm cải cách hành chính của Bộ Y tế” – ông Cường nói.

 Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn 2011 – 2016, ngành Y tế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%. Số lượt thanh tra, hậu kiểm đã tăng gấp 1,5 – 2 lần so với các năm trước.
Ngày 13/4/2016, Bộ Y tế lấy ý kiến Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với các sản phẩm Sữa dạng lỏng, trong đó sửa đổi khái niệm “sữa tiệt trùng” thành sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Việc sửa đổi này đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các chuyên gia, liên bộ NNPTNT, Bộ Công thương.
Trước đó, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường thực hiện giám sát chuyên đề về sữa dạng lỏng cũng đã có kết luận yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng sửa đổi QCVN 5-1:2010/BYT .
Nên đọc
Tuấn Kiệt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo