Bội chi ngân sách là... chuyện đã rồi
“Đáng ra phải bao quát tất cả các nguồn thu chi đều trong sổ sách hết. Đằng này lại có chuyện trong sổ, ngoài sổ… như vậy là sai từ luật mới dẫn đến chuyện hụt thu, bội chi”.
GS. TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã nói như vậy khi bàn về câu chuyện bội chi của nền kinh tế.
Thừa nhận chi vượt trần
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2013 trình bày tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 21/10 cho biết: "Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 ước đạt 986.300 tỷ đồng, tăng 0,8% so với dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 đạt 5,3% GDP. Dư nợ công chiếm 56,2% GDP, trong giới hạn an toàn".
Như vậy, đây là lần đầu tiên Chính phủ thừa nhận bội chi ngân sách đã vượt trần cho phép mà Quốc hội đề ra từ đầu năm.
Chính vì việc “chi quá tay” này khiến ngay trước kỳ họp Chính phủ đã đưa ra đề xuất nới trần bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP để tạo thêm dư địa tăng đầu tư phát triển trong bối cảnh ngân sách khó khăn.
Theo tính toán của Chính phủ, cứ tăng bội chi thêm 1%, sẽ có thêm 40.000 tỷ đồng chi từ ngân sách và Chính phủ muốn dùng toàn bộ phần tăng này cho đầu tư phát triển. Như vậy với mức bội chi dự kiến tăng thêm 0,5%, ngân sách sẽ thâm hụt thêm 20.000 tỷ đồng.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu con số: Tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm ước gần 685.000 tỷ đồng, bằng 70% dự toán, trong khi số thu ước đạt 543.800 tỷ đồng (đạt 66,6% dự toán).
Theo một chuyên gia kinh tế, nhìn vào con số có thể thấy rõ số tiền đã chi vượt quá ngưỡng cho phép. Trong khi lúc này Quốc hội đang quy định chỉ ở ngưỡng 4,8% GDP.
Theo GSTS Nguyễn Quang Thái, tình trạng nhiều địa phương đã ứng vốn trước còn khiến cho tình hình này bi đát hơn. “Con số thực có thể còn lớn hơn bởi tôi từng công tác nhiều năm ở bộ kế hoạch đầu tư biết rằng con số rất ghê gớm. Đề nghị công khai minh bạch con số thì mới có thể đưa ra giải pháp thích hợp lúc này”, TS Thái gợi ý.
Việc bội chi này khiến một vị chuyên gia kinh tế nhận xét: “Vậy là chuyện bội chi là việc đã rồi. Bây giờ Chính phủ xin ý kiến Quốc hội cũng chỉ là đặt Quốc hội vào cái thế thừa nhận sự đã rồi trong tình huống này”.
Không có nước nào quy định trong, ngoài ngân sách
Theo GS Thái, sở dĩ có tình trạng này chính là vì sai từ luật. “Luật sai. Không có nước nào trong ngân sách, ngoài ngân sách. Trái phiếu chính phủ, thu từ xổ số thì để ngoài ngân sách. Mấy năm trước khi bán đất thu được thì phấn khởi nay không bán được thì hụt nguồn mà không tính toán lại thì rất nguy hiểm”, TS Thái nói.
GS Thái nhấn mạnh: Đáng ra phải bao quát tất cả các nguồn thu chi đều trong sổ sách hết. Đằng này lại có chuyện trong sổ, ngoài sổ… như vậy là sai từ luật, từ cả quy định chung đến cách quản lý.
“Cho nên cần phải chỉnh sửa, phải có luật chi tiêu công và đầu tư công. Hiện Luật Đầu tư công thì sắp thông qua nhưng lại đang bỏ ngoài chi tiêu công. Trong khi đầu tư cho các doanh nghiệp cũng không nằm trong các chi tiêu công thì… gay lắm”, TS Thái lo ngại.
Không riêng gì tình hình kinh tế khó khăn mà ngay cả việc đổi mới tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, với tình hình hiện nay thì TS Thái cũng khẳng định: Đều khó khăn cả.
Còn TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương thì lo ngại khi bội chi có nghĩa phải nâng cao mức huy động của Chính phủ và nâng cao nợ công lên.
"Cần nâng cao vao trò của giám sát, minh bạch và chất lượng giải trình. Đồng thời có những tiêu chí rõ ràng đối với đầu tư công cần phải có đề án tái cấu trúc đầu tư công. Trong khi tình hình thu ngân sách đang gặp khó khăn rất lớn và việc chi đang vượt quá mức so với thu như thế này rất đáng phải suy nghĩ", TS Doanh nói.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo