Môi trường

Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường: Chặng đường dài từ luật đến thực tiễn

Bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường được đánh giá là biện pháp pháp lý có hiệu quả, được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi gây tổn hại đến môi trường. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, việc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường là một chặng đường dài từ quy định cho đến thực tế.

 Nhiều quy định  thiếu tính khả thi

 
Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường được pháp luật ghi nhận lần đầu tiên tại Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) năm 1993, theo đó "tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật".
 
Luật BVMT năm 2005 được ban hành đã thể hiện một bước tiến đáng kể trong quá trình "hiện thực hóa" nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền - một nguyên tắc được xem là đặc trưng của lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, để có thể áp dụng được trách nhiệm này một cách đầy đủ trên thực tế, pháp luật môi trường cần phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa việc xác định các thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
 
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện đòi yêu cầu bồi thường thiệt hại là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm. Tuy nhiên trong lĩnh vực môi trường do tính chất đặc thù của nó, thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm hại với thời điểm phát sinh thiệt hại trên thực tế không trùng nhau mà thường có một khoảng cách nhất định, có khi kéo dài hơn thời hiệu khởi kiện được quy định trong Bộ luật Dân sự.
 
Chi phí bỏ ra để xử lý ô nhiễm lớn đến đâu cũng không thể khắc phục được hậu quả
 
Do đó, khi chủ thể bị xâm phạm khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện có khi đã hết nên quyền lợi của họ không được pháp luật bảo vệ. Thiệt hại đối với người bị nhiễm chất phóng xạ, nhiễm hóa chất độc hại là những ví dụ thực tế điển hình chứng minh cho vấn đề này.
 
Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2010/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện việc bồi thường thiệt hại do hành vi ô nhiễm môi trường gây ra.
 
Tuy nhiên, sau khi Nghị định ban hành vẫn chưa có một Thông tư nào của ngành chức năng hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này dẫn đến việc thực hiện trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Điều này chứng tỏ, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành chưa phát huy hiệu lực một cách đầy đủ, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
 
Nhìn nhận từ vụ việc
 
Gần đây nhất, năm 2013 dư luận vô cùng bức xúc trước vụ việc Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn khối lượng lớn thuốc trừ sâu xuống lòng đất ngay tại cơ sở hoạt động của công ty này ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa bị người dân phát giác. Người dân khu vực sau đó đã ủy quyền cho Hội Nông dân xã khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
 
Tuy nhiên, để chứng minh thiệt hại xảy ra là rất khó vì nhiều lý do. Thiệt hại về môi trường thường xảy ra trên diện rộng, tác động tới nhiều đối tượng: Có thể là sức khỏe, tính mạng, tài sản của các cá nhân, có thể là lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hay môi trường tự nhiên… Trong nhiều trường hợp không thể tách biệt được thiệt hại về môi trường tự nhiên tại một khu vực nhất định với thiệt hại về tài sản, sức khỏe, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại khu vực đó, do đó, khó xác định được ai là người thiệt hại và được hưởng bồi thường thiệt hại.
 
Mặt khác, chi phí giám định thiệt hại là rất lớn, trong khi do giới hạn kỹ thuật, nhiều vụ vi phạm môi trường ở Việt Nam còn phải thuê kỹ thuật giám định của nước ngoài mới có thể đưa vụ việc ra cơ quan xét xử. Điều này là một rào cản đối với người dân muốn chứng minh thiệt hại.
 
Ngoài ra, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện vẫn còn thiếu nhiều quy chuẩn, gây khó khăn cho việc xác định vi phạm. Đơn cử với kết quả kiểm nghiệm các mẫu đất, nước và chất thải tại khu vực công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn hóa chất xuống lòng đất, nhiều chỉ tiêu không có quy chuẩn để so sánh.
 
Từng bước trám các lỗ hổng
 
Để có cách tính quy chuẩn và cụ thể cho việc xác định rõ thiệt hại phải đền bù khi làm tổn thương tới môi trường, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 6 tháng  1 năm 2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường.
 
Nghị định đã quy định rõ, việc xác định tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái được thực hiện theo các nguyên tắc: Ô nhiễm, suy thoái ở một khu vực địa lý tự nhiên do các nguồn phát sinh chất thải hoặc các hành vi xâm hại tại khu vực đó hoặc không tại khu vực đó nhưng có tác động xấu; có cơ sở khoa học về tồn tại mối liên hệ giữa các chất gây ô nhiễm có thể phát sinh từ nguồn thải hoặc hành vi xâm hại với tình trạng suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường; việc xác định tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải đảm bảo kịp thời và công bằng.
 
Tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cơ quan đã ứng trước kinh phí theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này.
 
Trường hợp có từ hai tổ chức, cá nhân trở lên làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường, trách nhiệm chi trả chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại của từng tổ chức, cá nhân được xác định tương ứng với tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại đối với môi trường.
 
Có thể nói, nhận thức một cách đầy đủ về những nội dung liên quan tới thiệt hại về môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường là yếu tố quan trọng cho việc ban hành và áp dụng trách nhiệm này trong tương lai. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng cho dù chế định này có phát triển đến mức nào, chi phí bỏ ra để xử lý, cải tạo môi trường có lớn đến đâu cũng không thể khắc phục được hết những hậu quả do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra.
 
Theo Tài nguyên và Môi trường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo