Quốc tế

Bóng dáng Trung Quốc trong tương lai Mỹ - Triều Tiên

Yêu cầu rút THAAD của Mỹ khỏi Hàn Quốc trước Thượng đỉnh Mỹ- Triều thấp thoáng bóng dáng Trung Quốc?

Trước hàng loạt các tín hiệu hòa bình, những tin tức lạc quan trước cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã phát đi một số điều kiện với Washington.

Báo Chosun (Hàn Quốc), Triều Tiên ngày 3/5 đã kêu gọi Hàn Quốc và Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, rút hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ triển khai tại khu vực tây nam Hàn Quốc và chấm dứt việc chỉ trích Triều Tiên lạm dụng nhân quyền.

Triều Tiên vừa giúp Trung Quốc, vừa thể hiện chủ trò khi đòi Mỹ rút THAAD khỏi Hàn Quốc trước Thượng đỉnh Mỹ- Triều.

“Âm mưu của Mỹ nhằm vào các vấn đề nhân quyền là hành động khiêu khích, tạo ra rào cản trên con đường hòa bình và đối thoại. Chúng tôi nghi ngờ sự chân thành của Mỹ về việc liệu nước này có thực sự muốn đối thoại hay không” - nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đăng tin ngày 3/5.

Trang mạng Uriminzokkiri của Triều Tiên chỉ trích tuyên bố của các quan chức Mỹ về việc ủng hộ duy trì sức ép tối đa với Triều Tiên. Uriminzokkiri mô tả các tuyên bố này là “sự xúc phạm và lăng mạ đối với nỗ lực chân thành hướng tới hòa bình” của hai nước.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho rằng, những tín hiệu tích cực của hai miền đã khiến không còn bất kỳ “lý lẽ hay cớ” nào để tiếp tục duy trì sự hiện diện của các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ triển khai tại Hàn Quốc.

Trang web tuyên truyền Meari của Triều Tiên nhấn mạnh việc triển khai “hệ thống THAAD là hành động mang dụng ý xấu gây tổn hại cho quan hệ liên Triều”, đồng thời kêu gọi dỡ bỏ THAAD “ngay lập tức”.

Động thái của Triều Tiên không quá bất ngờ khi trong Thượng đỉnh liên Triều vừa qua, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy một hiệp ước hòa bình với Mỹ. Với điều kiện Mỹ phải cam kết sẽ không xâm lược Triều Tiên.
Hàng loạt các tín hiệu tích cực của Thượng đỉnh liên Triều đã mang tới đồn đoán về khả năng Mỹ sẽ giảm dần số binh sĩ Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngay cả Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng nói rằng điều này là không ảnh hưởng.

 

Hôm 2/5, hãng tin Yonhap trích lời một quan chức cấp cao thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết quan điểm của chính phủ nước này là Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đóng vai trò là nhà hòa giải giữa các cường quốc xung quanh Hàn Quốc như Trung Quốc và Nhật Bản.

VChủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bình Nhưỡng.

Việc Triều Tiên phát đi yêu cầu Mỹ hủy bỏ việc lắp đặt hệ thống THAAD tại Hàn Quốc cũng là bước đi cho thấy Bình Nhưỡng đang lắng nghe các phản ứng từ những người đồng minh như Nga, Trung Quốc.

Lâu nay, Trung Quốc và Nga đã mạnh mẽ phản đối việc Mỹ lắp đặt hệ thống THAAD tại Hàn Quốc. Trung Quốc cho rằng THAAD có thể đe dọa lợi ích của nước này, trong khi Hàn Quốc và Mỹ vẫn luôn tuyên bố hệ thống này chỉ thuần túy mang tính tự vệ trước các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên.

Tin tức tốt đẹp từ Thượng đỉnh liên Triều đã cho phép Bình Nhưỡng có được cơ hội và lợi thế đàm phán về việc rút hệ thống THAAD khỏi Hàn Quốc.

Cũng cần chú ý là trước khi có các khả năng Triều Tiên ra điều kiện với Mỹ thì ngay sau cuộc họp Thượng đỉnh liên Triều tốt đẹp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lập tức tới Triều Tiên. Ông là quan chức cấp cao nhất của Bắc Kinh tới Bình Nhưỡng trong nhiều năm qua.

 

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin hai bên đã thảo luận “sâu rộng” về quan hệ song phương, trao đổi quan điểm về các biện pháp phát triển mối quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống cũng như các vấn đề “quan tâm chung, trong đó có đường hướng và triển vọng phát triển tình hình trên Bán đảo Triều Tiên”.

Còn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định lập trường nhất quán của Bình Nhưỡng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo ông, Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại đối thoại, thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau và tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ dẫn đến mối đe dọa đối với nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhấn mạnh sẵn sàng tăng cường các kênh liên lạc chiến lược với Trung Quốc.

Những chuyển động chính trị trên bán đảo Triều Tiên khiến Bắc Kinh không khỏi lo ngại về khả năng "bị ra rìa" trong các cuộc đàm phán ở Bình Nhưỡng.

Các phản ứng của giới truyền thông Triều Tiên đã cho thấy việc quốc gia này tôn trọng các lo ngại từ phía Trung Quốc và nêu ra các vấn đề mà Bắc Kinh quan tâm trong cuộc đàm phán sắp tới mà Triều Tiên đang có lợi thế.

Ngoài ra, vấn đề lắp đặt THAAD cũng là mối quan tâm đối với chính quyền Hàn Quốc. Việc binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây là vấn đề đồng minh nhưng việc lắp đặt hệ thống THAAD làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa Hàn Quốc với các cường quốc trong khu vực.

 

Việc lắp đặt hệ thống này cũng tạo ra mâu thuẫn ở chính trường Hàn Quốc. Do đó, đặt vấn đề hủy bỏ kế hoạch lắp đặt hệ thống THAAD ở Hàn Quốc sẽ là điều kiện dễ được cân nhắc hơn cả đối với Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đang đi từng bước một trong kế hoạch làm "chủ trò" vận mệnh trên bán đảo Triều Tiên.

Nên đọc
Theo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo