Xã hội

BOT giao thông: "Vắng bóng" tiền lẻ qua trạm đường tránh Biên Hòa

Trong sáng 10/9 lượng phương tiện đi lại qua trạm BOT Biên Hòa không quá đông, không có trường hợp tài xế dùng tiền lẻ qua trạm.

Cũng trong sáng 10/9, lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư Đồng Thuận (chủ đầu tư BOT Biên Hòa) cũng đã đến khu vực trạm khảo sát và chỉ đạo nhân viên thu phí làm nhiệm vụ, theo tin tức trên báo Dân việt. 

Tài xế dùng tiền lẻ qua trạm BOT . Ảnh NLĐ

Đại diện công ty này cho biết không có việc xả trạm hôm nay. Vào chiều 9/9 có khoảng chục tài xế dùng tiền lẻ qua trạm và gây ùn tắc trong thời gian ngắn. Sau đó chủ đầu tư cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành giải quyết nên hiện các phương tiện lưu thông qua lại bình thường. Riêng đề xuất của công ty này về việc giảm phí qua trạm hiện vẫn đang chờ chỉ đạo từ Bộ GTVT.  

Trước đó, chiều 9/9, nhiều tài xế hẹn nhau cùng trả tiền lẻ qua trạm thu phí BOT đường tránh Biên Hòa (Đồng Nai) khiến Quốc lộ 1 kẹt cứng, báo Tiền phong đưa tin. 

Khoảng 17h, một số tài xế khi qua trạm thu phí đường tránh TP Biên Hòa (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã sử dụng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng và cả tiền xu mua vé. Trạm thu phí đã huy động thêm nhân viên để đếm tiền. 

"Tôi chẳng bao giờ đi qua đường tránh nhưng ngày nào cũng phải mua vé, việc đặt trạm như vậy cần xem xét lại vì lợi ích của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều", một tài xế bức xúc.

Do cả bốn làn xe điều có tài xế mua vé bằng tiền lẻ, cộng với giờ cao điểm công nhân Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) đi làm về khiến Quốc lộ 1 hướng TP HCM - Bình Thuận qua khu vực này kẹt xe trầm trọng.

 

Sau 20 phút, trước sự phản ứng của cánh tài xế bị kẹt, trạm thu phí buộc phải xả trạm để thông xe. Cảnh sát giao thông cũng có mặt để điều tiết xe cộ.

Dự án tuyến tránh TP Biên Hòa và nâng cấp Quốc lộ 1 do Công ty cổ phần Đồng Thuận làm chủ đầu tư với tổng đầu tư 1.500 tỷ đồng. Trong đó, đường tránh được xây mới dài 12 km, phần nâng cấp quốc lộ dài 10 km. Mức phí qua trạm hiện nay từ 35.000 đến 180.000 đồng mỗi lượt, thời gian thu 10 năm.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Dân việt, Tiền phong)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo