Quốc tế

Brexit phủ bóng lên chiến lược quốc phòng mới của EU và NATO

(DNVN)-Giới chức châu Âu nhận định rằng, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ làm xói mòn chiến lược quốc phòng mới của EU và NATO.

Theo giới chức châu Âu, việc cử tri Anh quyết định rời EU (Brexit) có nguy phủ bóng lên chiến lược quốc phòng mới của EU NATO. Nhận định này đưa ra trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa chính phủ các nước EU và NATO ký kết một hiệp ước mang tính bước ngoặt nhằm đối phó với một loạt đe dọa. 

Mỹ và Liên minh châu Âu có kế hoạch sử dụng hai hội nghị thượng đỉnh riêng rẽ của EU và NATO trong những ngày tới để thúc đẩy các cuộc cải cách của hai trụ cột an ninh tại phương Tây, nhằm giảm sự phụ thuộc của EU vào Washington. 

Brexit phủ bóng lên chiến lược quốc phòng mới của EU và NATO. (Ảnh Reuters)

"NATO đã có kế hoạch liên kết với một Liên minh châu Âu mạnh mẽ hơn, chứ không phải là một sự lựa chọn mặc định đối với một khối yếu kém và chia rẽ", một quan chức quốc phòng cấp cao của phương Tây cho biết. 

Trong khi đó, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini cho rằng, trong bối cảnh phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư cũng như những hành động gây hấn của Nga, EU cần phải "hành động độc lập nếu và khi cần thiết".

Bước đi mang tính biểu tượng - cụ thể là thúc giục các chính phủ cùng tăng chi tiêu quốc phòng - đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đức và Pháp. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết, điều này có thể gặp trở ngại nếu không có Anh - quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất trong EU. 

Là một trong năm quốc gia EU có vai trò chỉ huy chiến dịch quân sự ở nước ngoài cho khối, Anh có đóng góp to lớp vào các chiến dịch do EU đứng đầu, với việc trả khoảng 15% chi phí và cung cấp tài sản. 

Hiện Anh cũng đứng đầu chiến dịch chống cướp biển "Operation Atalanta" của EU ở Sừng châu Phi, có các tàu tuần tra ở Địa Trung Hải và cam kết cung cấp binh sĩ cho các nhóm chiến đấu của EU, mặc dù họ chưa khi nào được triển khai. 

 

Đề xuất của bà Mogherini đối với các nhà lãnh đạo EU sẽ bao gồm việc kêu gọi nhóm thực hiện sứ mệnh do EU đứng đầu phải làm việc với một lực lượng bảo vệ biên giới mới của EU để kiểm soát dòng người nhập cư. Điều đó có thể khó khăn hơn khi không có các tàu của Anh. 

Sau cuộc khủng hoảng tài chính khiến chi tiêu quốc phòng phải cắt giảm và việc C-rưm sáp nhập vào lãnh thổ Nga, chính phủ các quốc gia EU tuyên bố sẽ làm nhiều hơn nữa để đảm bảo an ninh và không thể dựa mãi vào Mỹ. 

Theo đó, NATO và EU sẽ củng cố quan hệ hợp tác đang gia tăng giữa họ từ Baltics tới Aegean tại một hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vác-sa-va vào tháng 7 tới. Ở cấp EU, các chính phủ đang thảo luận về một quỹ quốc phòng chung nhằm phát triển máy bay trực thăng, máy bay không người lái, tàu và vệ tinh. 

Cho đến khi cử tri Anh quyết định rời EU, Mỹ vẫn "để mắt" tới Anh - đồng minh chính của họ tại châu Âu - trong việc hành động như một cầu nối giữa NATO và EU trong tiến trình này. 

Cây cầu này được thiết kế nhằm cho phép Washington tập trung vào những mối lo ngại khác, trong đó có lực lượng nổi dậy tại Afghanistan và việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo ở Biển Đông.

 

Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử diễn ra tại Anh hồi tuần trước, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, Anh đã đảm bảo với ông rằng, họ cam kết duy trì ổn định của phương Tây. 

Phát biểu trước báo chí tại Hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra tại Bỉ, ông Stoltenberg cho biết EU và NATO sẽ tiếp tục hợp tác và phát triển, bất chấp lá phiếu ủng hộ Anh ra đi của cử tri nước này.

Việc London rút lui khỏi EU có thể gây cản trở nỗ lực tăng cường an ninh tập thể, bao gồm cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo cực đoan và thành lập mặt trận thống nhất tại khu vực gần biên giới Nga và Ukraine.

Ông Stoltenberg cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Fallon đã nói với ông rằng, London sẽ không nguy hiểm cho những nỗ lực chung giữa EU và NATO trong việc đáp trả các cuộc tấn công mạng tiềm tàng của Nga, các hoạt động hải quân chung tại Địa Trung Hải nhằm kiềm chế dòng người nhập cư vào châu Âu hay kế hoạch sớm thực thi  lệnh cấm vận vũ khí Mỹ với Libya. 

Hiện tại, tâm điểm của Mỹ dường như là thúc giục Anh đóng một vai trò thậm chí lớn hơn trong nATO và tránh bị cô lập.

 

"NATO thậm chí đã trở nên quan trọng hơn trong việc tham gia vào các hoạt động quốc tế. Chúng tôi không muốn Anh trở thành một quốc gia bé nhỏ", một quan chức cấp cao phương Tây nói. 

NM (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo