Quốc tế

Brexit thành hiện thực, châu Âu choáng váng

(DNVN)-Sốc và choáng váng là cảm xúc chung của châu Âu và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) lúc này khi người Anh quyết định "dứt tình" với EU sau cuộc "hôn nhân" kéo dài 43 năm.

Tính đến thời điểm 1 giờ chiều giờ Việt Nam, việc kiểm phiếu trưng cầu dân ý về quyết định nước Anh có rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không đã được hoàn tất. Theo đó, với tỉ lệ sát nút, 51,9% người dân Anh đã đồng ý rời khỏi EU, Brexit đã chính thức thành hiện thực

Brexit thành hiện thực, châu Âu choáng váng (Ảnh BBC)

Cuộc khủng hoảng lớn nhất với Brussels

Đây là thất bại lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua đối với những người ủng hộ ý tưởng thống nhất châu Âu. Trong khi EU đã và đang phải đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây, kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm nay tại xứ sở sương mù có thể là đòn giánh nặng nề nhất đè lên EU. 

Chính trị gia người châu Âu Carl Bildt đã đề cập đến tình trạng hỗn loạn ngay lập tức và bất ổn trong thời gian dài tại châu lục này nếu Anh rời EU.

Các nhà lãnh đạo đứng về phía Thủ tướng David Cameron sẽ mong muốn ông áp dụng Điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào tuần tới, kéo theo một cuộc đàm phán "ly hôn" kéo dài ít nhất 2 năm - một quá trình pháp lý và chính trị vô cùng phức tạp. 

Trong thời gian 2 năm này, Anh sẽ vẫn tuân thủ theo các điều ước và luật của EU, tuy nhiên nước này sẽ không được tham gia vào bất cứ quyết định nào của EU.

 

Hiệp ước của EU đã nêu cụ thể các thủ tục cần tiến hành để một quốc gia rời khỏi khối. Theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon năm 2009, “bất cứ quốc gia thành viên nào cũng có thể rời khỏi Liên minh theo đúng các thủ tục Hiến pháp”.

Ngày buồn đối với châu Âu

Bất chấp tất cả những dự đoán trước đó, thông tin một trong những thành viên lớn nhất của khối rời đi chẳng khác nào là một cú sốc lớn, với những tác động thực sự đối với chính nước Anh và toàn bộ châu Âu. 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố, EU quyết tâm thể hiện sự đoàn kết. Theo ông Tusk, đây là thời khắc lịch sử nhưng chắc chắn không phải thời khắc của những phản ứng kích động.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng đây là quyết định "đáng buồn" khi người Anh lựa chọn quyết định chia tay EU, đồng thời cho rằng châu Âu cần nhanh chóng lấy lại niềm tin của người dân trong khối này.

 

Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Cực hữu Marine Le Pen thuộc trong số những người đầu tiên phản ứng về thông tin Anh rời EU với việc bà đã rơi lệ. Bà viết trên twitter rằng, giờ đã đến lúc phải tiến hành trưng cầu dân ý tại Pháp và các quốc gia khác trong EU. Marion Marechal-Le Pen, cháu gái bà Marine Le Pen và cũng là một thành viên trong đảng Mặt trận Quốc gia Cực hữu, cho biết châu Âu sẽ là "chủ đề chính" trong các cuộc bầu cử tổng thống trong năm tới. 

Trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý Brexit, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đưa ra cảnh báo gay gắt về hậu quả của việc Anh rời EU, khi cho rằng nó có thể gây nguy hiểm cho Anh trong việc tiếp cận thị trường chung. 

Trong khi đó, Pháp và Anh đang phải đối mặt với viễn cảnh của các cuộc thảo luận song phương mới về nhiều chủ đề, từ quan hệ thương mại, đến quyền cư trú cho người nước ngoài. 

Đức và Phần Lan cũng cũng bày tỏ thái độ ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh. Phó thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel mô tả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là "một ngày tồi tệ với châu Âu". Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết ông rất lấy làm tiếc về quyết định của người dân Anh khi chọn rời khỏi EU, đồng thời gọi ngày 24/6 là "ngày buồn của châu Âu".

 Còn cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb gọi đây là "cơn ác mộng" bởi khi tỉnh dậy, các lãnh đạo châu Âu hoàn toàn bị sốc trước kết quả làm rung chuyển liên minh gồm 28 quốc gia này.

 

Nên đọc
NM (Theo BBC)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo