Bức tranh nợ xấu làm nhiều người giật mình
Nợ xấu được ví như cục máu đông” đang gây ra nhiều hệ lụy nặng nề cho nền kinh tế. Trong mọi giai đoạn, kể cả thời kỳ bao cấp đều xảy ra tình trạng nợ xấu. Tuy nhiên chưa bao giờ nợ xấu lại trở nên nghiêm trọng như hiện nay. Điều đáng nói là, cho dù nhiều lần được cảnh báo từ các năm trước, nợ xấu không những không giảm mà còn tăng mạnh.
Học viện Ngân hàng vừa đưa ra "bức tranh” nợ xấu với những con số làm nhiều người giật mình. Năm 2009, tốc độ tăng nợ xấu nằm ở mức 27%. Sau đó 1 năm, chỉ số này tăng vọt lên 41%. Đến 2011, tốc độ tăng nợ xấu tiếp tục "phi mã” lên tới 64%. Như vậy chỉ sau 3 năm, tốc độ tăng nợ xấu vọt lên đến hơn 2 lần. Hiếm có thời kỳ nào nợ xấu lại liên tục tăng và tăng ở mức cao như vậy.
Tổng giá trị nợ xấu năm 2011 chiếm 3,10% GDP. Đến 2012, chỉ số này tăng ở mức chóng mặt lên đến 12,8%. Chỉ sau 1 năm, tổng giá trị nợ xấu/GDP tăng gần 4 lần. Ít nhất đến thời điểm này, chỉ số nợ xấu/GDP trở thành "vô địch” trong lịch sử ngân hàng cũng như nền kinh tế nói chung. Chưa phải là điểm dừng cuối cùng, nếu không quyết liệt giải quyết, nợ xấu sẽ còn tăng lên trong năm 2013 cũng như quá trình tiếp theo.
Hệ thống Ngân hàng thương mại (NHTM) là chủ nợ. Con nợ gồm nhiều đối tượng, trước hết là doanh nghiệp, trong đó hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN) (nhất là các tập đoàn, tổng công ty) chiếm phần không nhỏ. Vay vốn quá dễ, thậm chí có nhiều khoản vay cực lớn nhưng giải ngân theo kiểu vô tội vạ, bất chấp nguyên tắc. Không hiếm DNNN làm ăn thua lỗ nặng, ngân hàng từ chối cho vay nhưng rồi vẫn phải "bơm” tiền cho họ, bởi có sự can thiệp theo mệnh lệnh hành chính. Nằm chung trong nhóm nợ xấu nhưng về thực chất, có những khoản vốn không còn khả năng thu hồi, coi như mất trắng. Gây ra nợ xấu có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế, phần lớn nợ xấu phát sinh từ nguyên nhân chủ quan.
Tên gọi giống nhau (nợ xấu) nhưng hiện tại đang tồn tại 2 cấp độ khác nhau về vấn đề này. Ngay trong nội bộ ngành ngân hàng đã tạo ra khoảng cách rất lớn. Cùng thời điểm như nhau, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra chỉ số nợ xấu hơn 8%, trong khi hệ thống NHTM báo cáo nợ xấu chỉ có hơn 4%. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, khi nói đến nợ xấu thì phải dùng con số của NHNN. Hệ thống NHTM báo cáo nợ xấu ở mức thấp là có dụng ý, vì mưu lợi nội bộ. Trước hết là để tạo ra con số đẹp nhằm che đậy "cục máu đông” đang không ngừng phình to. Mặt khác khi hạ thấp mức nợ xấu là để trốn tránh khoản vốn trích lập dự phòng rủi ro. Cách làm này như là con dao hai lưỡi, và hiện nay phần lớn NHTM đang phải trả giá cho sự toan tính ấy.
NHNN với hệ thống NHTM tạo ra khoảng cách không nhỏ khi xác định nợ xấu. Đây là hiện tượng không bình thường trong điều hành của một lĩnh vực cũng như quản lý nền kinh tế nói chung. Mặt khác, chỉ số nợ xấu theo đánh giá của NHNN so với tiêu chí phân hạng của quốc tế còn có độ vênh không nhỏ. Sự minh bạch của kinh tế thị trường đòi hỏi phải đánh giá và phân hạng nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế. Đánh giá nặng về ý định chủ quan, không theo tiêu chuẩn quốc tế, cách làm đó tạo ra "con số đẹp” nhưng thực chất là "ủ bệnh”, vì thế nợ xấu càng trở nên phức tạp và khó giải quyết.
Nợ xấu có được kéo lùi trong năm 2013 hay không? Ngành ngân hàng, các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung đang ngày đêm thấp thỏm chờ câu trả lời bằng kết quả thực tế. Nợ xấu được giải quyết như thế nào? việc đó hoàn toàn tùy thuộc vào nhân tố chủ quan.
Công Duy (Theo ĐĐK)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo