Bức xúc lương nhân viên BHXH bằng 180% lương công chức!
Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) gia tăng; tình trạng trốn tránh bảo hiểm không giảm, hoạt động đầu tư thâm vào vốn nếu trừ đi lạm phát, số người tham gia bảo hiểm tăng chậm… nhưng lương của nhân viên bảo hiểm bằng 180% so với lương công chức, viên chức khiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách bức xúc khi cho ý kiến vào Luật BHXH sửa đổi.
Theo số liệu của Ủy ban Các vấn đề xã hội, trong giai đoạn 2007-2012, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng bình quân 5,4%/năm.
Nợ bảo hiểm bắt buộc tăng từ 1.734 tỷ đồng năm 2007 lên 4.274 tỷ đồng vào ngày 31/12/2012. So với số phải thu, nợ đọng bảo hiểm tăng từ 6,8% năm 2007 lên 7% năm 2012. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tỷ lệ nợ bảo hiểm/số phải thu tăng từ 12,91% lên 16%, khu vực hợp tác xã tăng từ 8,38% lên 10,25%.
Nếu như năm 2008, BHXH “cầm” 83.973 tỷ đồng đầu tư thu được lợi nhuận 11,76% thì đến năm 2012 đầu tư 218.742 tỷ đồng chỉ đem lại lợi nhuận 10%.
“Tính ra, cả giai đoạn 2008 - 2012, lợi nhuận mà BHXH đem lại khi đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng chỉ đạt 9,5%/năm, trong khi giai đoạn này tốc độ lạm phát bình quân là 12,5%/năm. Như vậy, hoạt động đầu tư không bảo toàn được vốn nếu trừ đi lạm phát”, Đại biểu Nguyễn Trung Thu bức xúc trước hoạt động đầu tư “thâm vào vốn” của Cơ quan BHXH trong khi lương của người lao động trong ngành này lại được hưởng bằng 1,8 lần so với lương của cán bộ công chức, viên chức do Nhà nước quy định.
Là người có lâu năm làm việc trong ngành giáo dục, Đại biểu Đặng Thị Kim Chi tỏ ra vô cùng bức xúc trước thu nhập, đãi ngộ giữa ngành giáo dục và BHXH.
Bà Chi kể, khi bà còn làm trưởng phòng giáo dục ở một huyện của tỉnh Phú Yên, toàn bộ tính toán phần đóng bảo hiểm cho từng nhân viên trong ngành giáo dục cả huyện đều do ngành giáo dục làm, cuối mỗi quý, phó phòng BHXH huyện chỉ việc sang phòng giáo dục huyện để ký vào bảng kê khai, mức đóng, nộp bảo hiểm.
“Nhưng nhiều lần đại diện của cơ quan bảo hiểm không sang ký mà yêu cầu chúng tôi mang hồ sơ, giấy tờ sang bên bảo hiểm để họ ký vì lý do bên chỗ chúng tôi không có điều hòa, nóng quá nên họ không sang”, bà Chi kể.
“Phòng làm việc của trưởng phòng giáo dục không có điều hòa, còn phòng làm việc của nhân viên bảo hiểm thì mát rượi. Đi cùng với mức lương được ấn định bằng 180% lương của cán bộ, công chức, các chế độ đãi ngộ khác bằng tiền tính theo lương thì thu nhập của bảo hiểm cao cỡ nào, đấy là chưa kể đến hàng loạt đãi ngộ bằng vật chất khác của ngành bảo hiểm nhằm phục vụ công việc cũng rất cao so với mặt bằng chung. Các đồng chí thử nghĩ xem, trong cùng một địa phương, cùng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước mà lại có sự bất công lớn như vậy”, bà Chi bức xúc
Theo quy định, nguyên tắc đầu tư của Quỹ BHXH phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư. “Quy định thì hay lắm, nhưng mà làm thế nào để bảo đảm được nguyên tắc này? Nếu như đầu tư không đúng, không thu hồi được vốn, bị mất vốn thì xử lý thế nào? Ai chịu trách nhiệm hay cuối cùng thì người lao động đóng bảo hiểm phải chịu trong khi nhân viên bảo hiểm cứ hưởng lương theo hệ số 1,8”, nữ Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên chưa hết bức xúc.
Tiền lương của BHXH là tiền do người lao động đóng góp chứ không phải do ngành này tự làm ra. Vì vậy, bà Chi đề nghị, trong lần sửa đổi, bổ sung Luật BHXH lần này, Quốc hội phải khống chế chi phí quản lý, quỹ lương của cơ quan “làm chơi ăn thật” này.
“Trước đây, quỹ lương của BHXH chỉ chiếm 2% tổng số thu bảo hiểm hàng năm, bây giờ đã tăng lên 3%, nếu không khống chế thì sẽ còn tăng lên bao nhiêu nữa? Tôi đề nghị phải quy định cụ thể về chi phí, trong đó có quỹ lương của BHXH và yêu cầu ngành này hàng năm phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, nữ Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đề xuất.
“Hoạt động của ngành bảo hiểm không có gì là đặc thù, chẳng có gì là đặc biệt so với các ngành khác. Trong khi đó toàn bộ chi phí quản lý được lấy từ tiền đóng góp của người dân, tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư cũng là tiền của dân mà ngành này được hưởng cơ chế lương bằng 180% lương của cán bộ, công chức là hết sức vô lý”, Đại biểu Trần Ngọc Vinh bày tỏ đồng quan điểm.
Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Danh Út cũng bức xúc trước cảnh “làm chơi ăn thật” của cơ quan BHXH khi phát biểu: “Tiền của tôi gửi cho anh, rồi anh đem đi kinh doanh. Thực ra anh cũng chẳng mất thời gian, công sức kinh doanh, đầu tư gì (cho ngân sách nhà nước, ngân hàng thương mại, Thủy điện Lai Châu vay; mua trái phiếu, tín phiếu, công trái), sau đó anh lại quy định sau khi về hưu tôi chỉ được hưởng bằng này còn anh thì bảo là hoạt động đặc thù nên nghiễm nhiên được hưởng hệ số lương 1,8 là hết sức phi lý. Phải nghiên cứu lại lương của BHXH để trả lại sự công bằng”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo