Xã hội

Bùng phát thủy đậu, dài cổ chờ vắc - xin

Đã một năm trôi qua, hàng nghìn người dân muốn chủng ngừa thủy đậu vẫn phải dài cổ chờ vắc-xin. Dù Bộ Y tế “chữa cháy” khi cho nhập hơn 77 nghìn liều vắc - xin này về Việt Nam theo hình thức giấy phép nhập khẩu chưa có số đăng ký từ tháng 2 nhưng đến nay, nhiều nơi vẫn mỏi mòn… chờ!

Trẻ đến chủng ngừa tại viện pasteur TPHCM. Ảnh: Lê Nguyễn

Bệnh vẫn gia tăng

Bắt đầu từ tháng 3, mỗi tuần TPHCM có 40-50 ca mắc thủy đậu vào viện điều trị. Qua tháng 4, con số này tăng lên hơn 100 ca mỗi tuần. Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng TPHCM so với cùng kỳ năm 2013, số ca mắc thủy đậu đã tăng hơn 220%. Rất nhiều người lớn mắc bệnh này nhập viện, trong đó có cả phụ nữ mang thai. 

Tại khoa Nhiễm B của BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong ngày hôm qua có 20 bệnh nhân bị thủy đậu là người lớn điều trị. Nhiều người trong số họ lây lan ra cho người thân và cả con nhỏ. Chị Phạm Thị H, 31 tuổi ngụ ở Hóc Môn, TPHCM mắc bệnh khi đang mang thai ở tuần 33. 

Chị H. cho biết: “Trước khi mang thai đã đi chích ngừa vắc - xin thủy đậu nhưng nhiều nơi thông báo hết”. Theo chị H. chị mắc bệnh là do lây từ con trai 5 tuổi cũng mắc thủy đậu trước đó. “Em rất lo cho con đang trong bụng, vì sợ cháu sẽ mắc thủy đậu khi sinh ra”- chị H, than thở.

Điều này là có cơ sở, bởi theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1 TPHCM, cách đây một tuần, nơi đây tiếp nhận bệnh nhi 10 ngày tuổi là con của chị Trần Thị L, 24 tuổi ở Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh mắc thủy đậu từ mẹ. Hai ngày trước khi sinh con, chị L. mắc thủy đậu. Sau đó con chị ra đời với biến chứng viêm phổi. Các bác sĩ xác định cháu mắc “thủy đậu bẩm sinh”.

Tại Khoa Nhiễm - thần kinh của BV Nhi đồng 1, mỗi ngày cũng có 50 trẻ đến thăm khám thủy đậu. Trong ngày hôm qua, nơi đây cũng đang điều trị cho 20 trẻ mắc bệnh, có 2 trẻ bị biến chứng viêm phổi. 

Trong tháng 2, Khoa Nhiễm của BV Nhi đồng 2 tiếp nhận 600 trẻ mắc thủy đậu, nhiều trẻ phải thở máy vì biến chứng nặng. Nhưng trong tháng 4 con số này đã tăng lên 800 ca. Không chỉ trẻ con mắc thủy đậu, nhiều bậc cha mẹ chăm con tại đây cũng dính bệnh và phải điều trị. Anh Nguyễn Văn H, ở Củ Chi, TPHCM cho biết, do không chích ngừa vắc- xin thủy đậu nên sau hai ngày chăm sóc con thì nổi bóng nước và mắc bệnh luôn. 

Mặc dù là bệnh lành tính, nhưng theo bác sĩ Lê Bửu Châu- Trưởng Khoa Nhiễm B, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM nhiều biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết… cũng đe dọa đến tính mạng người bệnh.

“Với phụ nữ có thai khi mắc thủy đậu dễ khiến thai bị dị tật hoặc mắc thủy đậu bẩm sinh cho con khi sinh”- bác sĩ Châu cảnh báo, đồng thời đề nghị để phòng bệnh không còn cách nào hay hơn là chủng ngừa vắc-xin thủy đậu. Tuy nhiên, chủng ngừa cũng không dễ vì ở đâu cũng hết vắc-xin.

“Hỏi vắc-xin em cũng bó tay”

Ngày 5/5 chị Nguyễn Thị Hồng ở Bình Chánh, TPHCM trở lại Viện Pasteur TPHCM để hỏi tiêm vắc - xin thủy đậu cho con. Đây là lần thứ 4 chị đến đây hỏi tiêm vắc-xin thủy đậu. Hai tháng trước, chị đưa con đến chích ngừa sởi tại đây và hỏi thăm vắc-xin thủy đậu nhưng một nhân viên cho biết, khoảng cuối tháng 4 có lại. Tuy nhiên, hôm qua đưa con đến lại một tấm biển ghi “hết vắc-xin thủy đậu”. 

Cả trẻ em và người lớn phải vào viện vì thủy đậu nhưng không có vắc-xin để tiêm. ảnh: L.N

Có mặt tại Viện Pasteur TPHCM hôm qua, chúng tôi ghi nhận có hàng chục bà mẹ đưa con đi chích thủy đậu phải ra về bởi chưa có vắc- xin. “Từ cuối tháng 5/2013 đến nay, vắc xin này đã hết”- nhân viên hướng dẫn ở phòng khám nói. Khi tôi hỏi khi nào có vắc-xin trở lại, người này cho biết: “Khoảng giữa tháng 5 anh gọi lại xem có vắc - xin chưa”.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, vắc-xin sởi dịch vụ “3 trong 1” đã có lại, còn vắc- xin thủy đậu thì chưa biết khi nào có. “Phía đơn vị phân phối cho biết khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 mới có lại nhưng họ không nói thời điểm cụ thể”- bác sĩ Diệp nói. 

Vắc-xin thủy đậu hiện là loại vắc-xin trong diện dịch vụ nên theo bác sĩ Diệp phải phụ thuộc vào các đơn vị sản xuất và phân phối nước ngoài. Tấm biển “hết vắc-xin thủy đậu” cũng đã treo ở Trung tâm y tế dự phòng TPHCM và BV Nhi đồng 2 từ nhiều tháng qua. Khi hỏi một nhân viên ở Trung tâm y tế dự phòng về thời gian có vắc-xin này trở lại, người này cho biết: “Anh hỏi về vắc-xin thủy đậu thì em cũng bó tay”. 

Tại các bệnh viện khác và các điểm tiêm chủng ở Trung tâm y tế dự phòng quận huyện cũng cho biết, không rõ vì sao lại “hụt” vắc-xin này lâu đến vậy. Mặc dù trước đó, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế tỉnh thành chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng liên hệ với các đơn vị phân phối - nhập khẩu vắc - xin thủy đậu để chủ động nguồn nhưng theo các cơ sở này “đây là vắc- xin dịch vụ” nên họ không quan tâm. Một bác sĩ cho biết, có liên hệ với một đơn vị phân phối nhưng họ cho rằng đã không nhập nữa vì số đăng ký hết hiệu lực?!

Có rồi… vẫn chờ!

Dịch thủy đậu bắt đầu xuất hiện từ tháng 1 và kéo dài đến nay khiến hàng nghìn trẻ mắc, tuy nhiên từ đó đến nay vắc-xin này vẫn bói không ra. Trước việc “cháy” vắc-xin, tháng 2/2014 Bộ Y tế “chữa cháy” khi cho Cục Quản lý Dược quyết định đề nghị cấp thẩm quyền để Công ty TNHH MTV Vắc-xin và sinh phẩm số 1 nhập khẩu hơn 77 nghìn liều Varicella Vaccine - GCC inj về tiêm phòng cho người dân. 

Đến giữa tháng 3, số vắc-xin này đã về đến Việt Nam tuy nhiên vẫn đang phải chờ kiểm định chất lượng trước khi sử dụng. Ngoài hơn 77 nghìn liều vắc-xin nhập khẩu theo giấy phép nhập khẩu trên còn có 20.000 liều vắc-xin có số đăng ký. “Số liều vắc-xin đã có số đăng ký này cũng đã về Việt Nam”- theo thông báo của Cục Quản lý Dược. 

Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế đã tiếp nhận số vắc-xin này để kiểm định chất lượng từng lô. Trao đổi với PV Tiền Phong vào chiều 5/5, bà Nguyễn Thị Hồng Linh- Viện phó Viện Kiểm định quốc gia Vắc-xin và sinh phẩm y tế cho rằng, khi tiếp nhận các mẫu đã đưa vào hàng ưu tiên để kiểm định. 

“Chúng tôi đang tích cực làm, kể cả thứ bảy và chủ nhật để sớm có kết quả”- bà Linh thông tin nhưng không cho biết thời điểm cụ thể để vắc-xin này ra thị trường.

Một chuyên gia về dịch tễ học cho rằng, đến thời điểm khi dịch đã lên “đỉnh” và để lại một khoảng trống cả năm không được chủng ngừa thủy đậu về lâu dài những người không có cơ hội tiêm này sẽ tiếp tục mắc bệnh trong thời gian tới.

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo