Pháp luật

Buôn bán động vật hoang dã nên xem như buôn ma túy

Buôn bán động vật hoang dã nên được xem như buôn ma tuý thì việc xử lý mới hiệu quả.

Theo ông Trần Việt Hưng, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), Nghị định 32 của Thủ tướng chính phủ quy định: Động vật hoang dã được phân vào nhóm 1B (nghiêm cấm buôn bán) và 2B (buôn bán hạn chế). Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tang vật thu được từ các vụ buôn bán động vật hoang dã được lực lượng chức năng tiến hành bán đấu giá. Nếu tang vật bắt được bị mang ra bán đấu giá thì vẫn có tác động kích thích buôn bán, và nghiễm nhiên được công nhận là hợp pháp.



Bắt cóc bỏ đĩa



Ông Hưng dẫn chứng, tang vật hổ bị tịch thu vào tháng 12/2010 ở Thanh Hoá được mang đi nấu cao rồi bán với giá rẻ, còn các tang vật thu được ở Ninh Bình, Quảng Ninh và Quảng Trị không được xử lý triệt để. Có trường hợp nhiều con tê tê bị thu hồi đã được bán đấu giá ngay trong đêm. “Việc đấu giá động vật hoang dã thu hồi được khiến bọn tội phạm có thêm mánh lới hợp pháp hoá sản phẩm buôn lậu, giống như lâm tặc. Nhiều lâm tặc chặt phá rừng rồi cứ để cho kiểm lâm bắt.

 

Sau khi gỗ lậu được đóng dấu hợp pháp thì chúng mua lại với giá rẻ,” ông Hưng nói.


Theo ông Hưng, quan điểm cho rằng bán đấu giá tang vật thu được để tăng thu ngân sách là sai lầm, vì cơ quan điều tra không thể dính dáng đến ngân sách. “Họ chỉ có nhiệm vụ điều tra, tịch thu, rồi chuyển sang cơ quan khác xử lý”.


Tháng 1/2012, bà chủ nhà hàng Tây Bắc Quán lại bị bắt quả tang đang nấu cao hổ trong nhà, mà trước đó đối tượng này trước đó đã bị bắt và ngồi tù 18 tháng cũng vì tội nấu cao hổ. “Hình phạt chưa đủ sức răn đe, trong khi buôn bán động vật hoang dã mang lại lợi nhuận không thua gì ma tuý,” ông Hưng nói.
 

Có trường hợp chủ cơ sở buôn bán động vật hoang dã bị phạt tù nhưng cơ sở của người đó vẫn hoạt động bình thường. Đầu năm ngoái, Huỳnh Văn Hai, chủ khu du lịch Thanh Cảnh, Bình Dương, bị phạt 3 năm tù vì tội nuôi hổ để đem bán cho người nấu cao, nhưng vườn thú tư nhân của người này vẫn tiếp tục hoạt động, ông Hưng nói. 

Đường dây buôn bán hổ xuyên biên giới

Theo điều tra của ENV, Việt Nam đang có 9 cơ sở nuôi nhốt hổ tư nhân, trong đó có tất cả 94 cá thể hổ. Ít nhất 3 cơ sở trong số này có dính dáng đến hoạt động buôn bán hổ trái phép. Từ tháng 1/2005 – 2/2012, cơ quan chức năng đã phát hiện 206 vụ vi phạm liên quan đến hổ. Hổ được buôn lậu sang Việt Nam chủ yếu từ Lào, một số vụ qua Kampuchia và Thái Lan.

Các thành viên của Đội đặc nhiệm chống buôn lậu hổ Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm tại buổi ra mắt phim (Ảnh: Trúc Quỳnh)

Đông Nam Á đang là điểm nóng của buôn bán động vật hoang dã trái phép, cung cấp cho thị trường chợ đen toàn cầu với giá trị ước tính 10 – 30 tỷ USD mỗi năm.
 

Một phụ nữ gốc Việt có biệt danh là Jay hiện đang bị điều tra vì cầm đầu đường dây buôn bán hổ từ Thái Lan sang Việt Nam và Trung Quốc. Đây là khẳng định của đội đặc nhiệm chống buôn lậu hổ trái phép của quân đội Hoàng gia Thái Lan có mặt tại Hà Nội vào hôm  29/3.



Jay rời Việt Nam sang Thái Lan từ 30 năm trước, và kết hôn với một quan chức Thái Lan. Mạng lưới buôn bán hổ của đối tượng này đang được che chở bởi nhiều quan chức và cảnh sát địa phương biến chất.


Đội đặc nhiệm gồm một số cảnh sát Thái Lan và chuyên gia của Tổ chức chống buôn bán động vật hoang dã và nô lệ Freeland gần đây đã phát hiện và bắt giữ những thành viên chủ chốt trong đường dây này, và chiến dịch truy lùng các nhân vật còn lại cũng như kẻ cầm đầm đường dây vẫn tiếp tục.


Cảnh sát Thái Lan sẽ chia sẻ thông tin về người phụ nữ gốc Việt cũng như đường dây buôn hổ xuyên quốc gia với văn phòng Interpol Việt Nam để phối hợp điều tra, Đại tá Adtaphon Sudsai, thanh tra của lực lượng cảnh sát chống lại thiên nhiên, thuộc quân đội Hoàng gia Thái Lan, chia sẻ trong buổi ra mắt phim “Nạn buôn bán hổ trái phép” thuộc loạt phim phóng sự tài liệu Tội ác chống lại thiên nhiên được phát trên kênh National Geographic.

 

Theo Trúc Quỳnh (ĐV)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo