Buôn lậu “nóng” cả ngày lẫn đêm ở biên giới Tây Nam
“Thiên hạ đệ nhất lậu thị”
Cả chục năm nay, Gò Tà Mâu (thuộc ấp Tà Mâu, xã Pung Xăng, huyện Bray Chusa, tỉnh Takeo, Campuchia) được xem là trung tâm trung chuyển hàng lậu lớn nhất biên giới Tây Nam. Gò Tà Mâu còn có hỗn danh là “thiên hạ đệ nhất lậu thị” với đủ các mặt hàng cả cũ lẫn mới. Trong những ngày cuối tháng 12.2014, nhóm phóng viên đã có mặt tại Gò Tà Mâu để chứng kiến cảnh hàng lậu tập kết, đưa về Việt Nam. Khi xe chúng tôi vừa qua cầu Vĩnh Ngươn, đã có mấy người đàn ông chạy xe gắn máy rề theo “tiếp thị” qua Gò Tà Mâu “đi chơi”.
Hỏi có gì chơi, mấy tay cò nói thẳng: “Đá gà, đánh bài, lắc tài xỉu xong thì mua hàng ngoại đem về”. Hỏi có bị bắt không, một cò nói luôn: “Bảo đảm với anh, giao hàng tại nội địa mới lấy tiền. Anh mua nhiều thì giao tận Sài Gòn luôn. Muốn cả xe tải cũng có, chứ đừng nói là mua lặt vặt”. Quá rành với cung cách làm ăn sòng phẳng và tương đối dễ chịu của các cò tại đây, chúng tôi đồng ý gửi xe ngoài bãi, để họ chở qua Gò Tà Mâu với giá 10.000 đồng/người.
Qua địa phận Gò Tà Mâu, một khối nhà kiên cố mọc lên, bề thế còn hơn siêu thị tại Việt Nam. Xung quanh khối nhà này, có hàng chục căn nhà cấp 4 xây dựng thành nhiều dãy, mở cửa buôn bán. Dù thuộc địa phận Campuchia, nhưng cả người mua kẻ bán tại đây đều là người Việt. Mọi giao dịch tại đây đều bằng tiền đồng Việt Nam. Khách lẻ khi đến đây thích thì mua, không thích thì bỏ đi, chẳng ai nài ép, kỳ kèo. Giá hàng hóa ở đây rẻ đến không ngờ. Một chiếc điện thoại Samsung Galaxy S3 (được giới thiệu là hàng chính hãng xách tay) rao bán 3,5 triệu đồng. Điện thoại dạng “cùi bắp” (chủ yếu nghe gọi và nhắn tin kèm chức năng đèn pin) cũng chỉ 100.000 - 200.000 đồng.
Các loại máy móc khác, giá khoảng 50 - 70% so với tại Việt Nam. Ngoài hàng điện tử đang dần thất thế với hàng sản xuất trong nước, Gò Tà Mâu đang “trỗi dậy” nhờ một số mặt hàng “độc và lạ” hơn trước như dụng cụ kích dục chạy pin (của Trung Quốc, giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng). Đặc biệt, bất kỳ cửa hàng đồ điện tử nào cũng có bán roi điện của Trung Quốc ngụy trang là đèn pin với đủ kiểu dáng, giá cả từ 400.000 - 700.000 đồng.
Khi ấn nút, loại đèn này nổ tạch tạch rất lớn và làm phát ra tia lửa điện, mà theo giới thiệu của chủ cửa hàng là đủ làm một người lớn ngất sau vài giây khi bị dí roi vào. Tại Gò Tà Mâu, vài năm trở lại đây lượng đồ dùng nhà bếp (không rõ xuất xứ, được giới thiệu là hàng Nhật và Châu Âu) được tiêu thụ với số lượng khổng lồ. Một chủ tiệm ở đây khoe, mỗi tháng bà bán về Việt Nam khoảng 5 - 6 tỉ đồng, khách hàng đại gia bỏ ra vài chục triệu đồng mua chén dĩa là chuyện thường ở đây.
Tuy nhiên, những cửa hàng kể trên chủ yếu bán cho khách lẻ. Một số “tổng kho” tại đây chính là điểm trung chuyển hai mặt hàng chủ lực là thuốc lá ngoại và đường cát Thái Lan. Thuốc lá được đầu nậu đưa lên ghe lớn rồi chở qua Việt Nam, còn đường lậu thì được sang bao (bao bì của các công ty Việt Nam) ngay tại Gò Tà Mâu rồi ung dung tuồn vào nội địa.
Buôn lậu “hồn nhiên”
Cách chốt biên phòng Vĩnh Ngươn đúng 2 mét, có một tấm biển ghi “bán bò giống và bò thịt”. Kề đó là một trại bò khá lớn. Trong vai thương lái đi mua bò, chúng tôi tiếp cận chốt này và khá bất ngờ khi đứng tại chốt có thể chứng kiến cảnh buôn lậu nườm nượp qua lại dưới sông. Nước lũ đã rút, con sông này chỉ còn rộng chừng hơn 10 mét, những chiếc ghe loại 5 - 10 tấn chở đường lậu và thuốc lá không hề che đậy, cứ “hồn nhiên” lưu thông. Những người trực chốt không nói gì, chúng tôi cũng vờ như bình thường nhưng bí mật quay phim, chụp ảnh. Hóa ra, đứng trên đất Vĩnh Ngươn, chúng tôi chứng kiến giới buôn lậu không hề hoạt động “manh động, tinh vi” như trên các bảng báo cáo.
Do phường Vĩnh Ngươn là phường biên giới, có sông nên giới buôn lậu vận chuyển hàng lậu bằng đường thủy. Rời phường Vĩnh Ngươn, chúng tôi về các phường trung tâm của Châu Đốc là Vĩnh Mỹ, Châu Phú A, Núi Sam thì thấy con buôn càng vô tư, thoải mái hơn cả khu vực biên giới. Trong các ngày từ 20 - 26.12, lang thang trên các đường Cử Trị, Trưng Nữ Vương, Trường Đua, Nguyễn Văn Thoại..., đâu đâu chúng tôi cũng thấy xe gắn máy chở thuốc lá lậu - chủ yếu là Jet và Hero, không hề che đậy, chạy dập dìu trên đường.
Tại Châu Đốc, đầu nậu buôn lậu cũng phân thứ hạng và đám nài chở thuê cũng theo đó mà phân cao thấp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu là nài của các bà trùm như Mười T, Vi M, bà V thì các nài có thể thoải mái vượt đèn đỏ, không cần che thuốc và cũng không cần che mặt. Chúng tôi cũng khá ngạc nhiên khi tại Châu Đốc, các trùm buôn lậu đều là nữ, nhưng không tìm được lời giải thích.
Ban ngày, khi chúng tôi ghi hình tại giao lộ Hoàng Diệu - Trưng Nữ Vương (phường Châu Phú B), trong khi đèn đỏ các xe đều dừng thì hàng chục nài thuốc lá đi ngang cứ bấm còi inh ỏi, nẹt pô ầm ầm rồi vô tư vượt đèn đỏ. Khẳng định là, không có chiếc xe chở hàng lậu nào dừng đèn đỏ. Theo chân các nài, chúng tôi thấy thuốc lá được họ chuyển vào bến xe Châu Đốc, gần góc đường Lê Lợi và Nguyễn Tri Phương.
Khi cả thành phố đã say ngủ, tiếng xe gắn máy chở thuốc lá lậu vẫn gầm rú cả đêm. Từ ban công khách sạn Hoàng Tuyên (quốc lộ 91, phường Vĩnh Châu B), chúng tôi ghi hình từng đoàn xe chất đầy thuốc lá phóng vun vút. Nghe khách than thở không ngủ được vì xe nẹt pô ầm ầm, anh nhân viên lễ tân nói tỉnh rụi: “Châu Đốc ban đêm chỗ nào cũng vậy. Hổng phải họ chạy nhanh vì sợ công an, mà chạy nhanh vì làm ăn, cần năng suất, nên ai cũng phải đua”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo