Xã hội

Buôn lậu phá hoại hay ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế?

Đại biểu khẳng định buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam trong khi Bộ trưởng nhận định là chỉ “ảnh hưởng tiêu cực”.

Ở trên đất nước chúng ta đâu cũng mua được hàng lậu, hàng trốn thuế, buôn lậu đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam… đại biểu Quốc hội bức xúc nêu vấn đề tại phiên giải trình về công tác phòng chống buôn lậu do Ủy ban Kinh tế tổ chức sáng 7/1 - Ảnh minh họa.

Ở trên đất nước chúng ta đâu cũng mua được hàng lậu, hàng trốn thuế, buôn lậu đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam… đại biểu Quốc hội bức xúc nêu vấn đề tại phiên giải trình về công tác phòng chống buôn lậu do Ủy ban Kinh tế tổ chức sáng 7/1.

Trong khi đó, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lại khá chung chung, mờ nhạt.
 
Mở đầu phần hỏi đáp, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận xét, Chính phủ rất quan tâm đến công tác chống buôn lậu, song một số lực lượng có liên quan đến công tác này thì lại chưa làm tốt nhiệm vụ.
 
“Quản lý thị trường vẫn là khâu yếu, chừng nào quản lý thị trường còn như hiện nay thì còn đất sống cho buôn lậu. Ở trên đất nước chúng ta đâu cũng mua được hàng lậu, hàng trốn thuế, vậy có tiêu cực trong quản lý thị trường hay không?”, đại biểu Cương chất vấn. 
 
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, hệ quả nghiêm trọng của hàng lậu, hàng giả chưa được đánh giá hết.
 
Theo ông Lịch thì tất cả diễn biến hiện nay ở lĩnh vực này đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam, làm mất niềm tin của các doanh nghiệp làm ăn ngay thẳng và phá hoại nền nông nghiệp Việt Nam.
 
 “Phải chăng tiêu cực nội bộ là nguyên nhân gốc của vấn đề chứ không phải là cơ chế, nếu không đánh giá đúng mức thì không xử lý được, trong khi báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương lại không đề cập”, đại biểu Lịch nhấn mạnh.
 
Cho rằng gốc của vấn đề chống buôn lậu là xử lý đầu nậu chứ không phải rượt đuổi người được thuê mang hàng qua biên giới, đại biểu Lịch nhấn lại yêu cầu phải đặt vấn đề đúng tầm thì mới xử lý được.
 
Nếu không phải họ mang hàng hóa thông thường mà họ mang vũ khí thì tôi đảm bảo chỉ sau 24 tiếng sẽ bắt được ai là chủ mưu. Cũng như rải đinh trên đường thì không bắt, rải truyền đơn sau 24 tiếng là bắt được ngay, ông Lịch phát biểu.
 
Liên quan đến “than thở” của Bộ trưởng Hoàng về lực lượng quản lý thị trường hiện chỉ có hơn 5.000 người, thiếu từ quân số đến trang thiết bị, đại biểu Lịch đề nghị Bộ trưởng nên có kiến nghị cụ thể rằng nếu Quốc hội đầu tư chừng này tiền, chừng này phương tiện thì tôi sẽ làm được việc này. “Quốc hội Việt Nam có nghèo thế nào cũng sẽ có tiền cho việc này”, ông Lịch khẳng định.
 
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho hay bản thân ông nhận rất nhiều khiếu nại tố cáo về tiêu cực của lực lượng quản lý thị trường. Và theo ông, lực lượng này đang có trên 5.000 người cũng là con số rất lớn. Vậy đã bắt giữ bao nhiêu vụ, có tương xứng với số tiền ngân sách đầu tư cho 5.000 người này hay không? ông Đương chất vấn.
 
Không thể không có tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu, trong đó có cả lực lượng quản lý thị trường, “tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực theo tình hình chúng tôi nắm được thì là số ít”, Bộ trưởng Huy Hoàng bắt đầu trả lời.
 
Cũng theo giải trình của Bộ trưởng thì với tình hình thị trường hiện nay cả nước có 5.200 người trong lực lượng quản lý thị trường, bình quân mỗi tỉnh, thành chưa có đến 100 người thì còn rất mỏng so với mức độ phức tạp của mặt trận này. 
 
Nhắc lại nguyên nhân gốc của tình hình buôn lậu được đại biểu Lịch đề cập, người đứng đầu ngành công thương cho rằng đó là ý kiến xác đáng. “Muốn căn cơ thì phải xử lý đầu nậu và đường dây có tổ chức, còn nhỏ lẻ thì ý nghĩa không có nhiều, xin nhận là báo cáo chưa nêu đầy đủ”, Bộ trưởng nói.
 
Một số vấn đề được đại biểu nhấn mạnh trong câu hỏi, Bộ trưởng không đề cập. Hai trong ba vị đại biểu đặt câu hỏi đầu tiên tiếp tục lên tiếng.
 
Liên quan đến hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận xét Bộ trưởng đã cố gắng trả lời, nhưng cần đưa ra con số so sánh và tính phải xem hiệu quả đến đâu. Nếu chi thêm ngân sách mà hoạt động thực sự hiệu quả thì thành lập tổng cục quản lý, biên chế thêm vài nghìn người cũng vẫn được.
 
Với hơn 5000 cán bộ quản lý thị trường một năm chi lương khoảng 200 tỷ đồng, 3 năm 600 tỷ, trong khi số tiền lực lượng quản lý thị trường xử phạt thu về cho ngân sách 3 năm 1.395 tỷ, Bộ trưởng trả lời. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nói thêm, con số này chỉ phản ánh một khía cạnh, không phải là hiệu quả cao hay thấp mà chỉ để nói là lực lượng quản lý thị trường đã có cố gắng.
 
Nhắc lại quan điểm buôn lậu, hàng giả, hàng nhái đang phá hoại nền kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch nhắc lại rằng ông muốn biết ý kiến của Bộ trưởng Hoàng.
 
Ý kiến cá nhân tôi là buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, Bộ trưởng trả lời.
 
Với gợi ý của đại biểu Lịch về đầu tư cho lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng Hoàng cho biết đã làm đề án trình Chính phủ đề nghị bổ sung lực lượng, công cụ, trang bị cho quản lý thị trường. Hiện Chính phủ đang xem xét, còn tùy thuộc khả năng của ngân sách, chúng tôi sẽ rà soát và báo cáo cụ thể với Quốc hội và Ủy ban Kinh tế trong thời gian sớm nhất, Bộ trưởng “hứa”.
 
Kết thúc phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá các năm qua tình hình buôn lậu diễn biến rất phức tạp và gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Việt Nam.
 
Chúng ta không thể xem nhẹ mặt hàng tiêu dùng, chỉ lấy ví dụ 80% tăm là nhập, ta sử dụng hàng ngày, trong khi Việt Nam tre trúc rất nhiều mà ta không sản xuất, Phó chủ tịch nêu một ví dụ cụ thể.
 
Nhấn mạnh việc phòng chống buôn lậu qua biên giới là hết sức phức tạp, Phó chủ tịch yêu cầu qua phiên giải trình cần tiếp tục đề xuất các giải pháp để làm tốt hơn công tác này. Bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật thì phải thực thi nghiêm và phòng chống tiêu cực ngay trong lực lượng phòng chống buôn lậu, Phó chủ tịch nhấn mạnh.
VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo