Pháp luật

Buôn lậu pháo trong dịp Tết bị xử lý thế nào?

(DNVN) - Tết Nguyên đán đang đến gần, thị trường các mặt hàng tiêu thụ tết hoạt động ngày càng mạnh mẽ, đây cũng chính là thời điểm mà các mặt hàng buôn lậu, hàng cấm sản xuất như pháo nổ....đang trong thời gian “mùa vụ”. Để hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này bài viết sau xin đi sâu phân tích các quy định của pháp luật hiện hành đối với hành vi này.

Căn cứ vào Điều 153, Điều 232 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về Tội buôn lậu và quy định tại nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội, thông tư liên tịchsố 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo của quy định cụ thể như sau:

Trường hợp có giá trị từ 1 triệu đồng trở lên bị phạt tiền.

Theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: “Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm”.

Hành vi buôn lậu pháo dịp Tết bị xử lý nghiêm. Ảnh minh họa.

Thực tế do pháo nổ là mặt hàng cấm nên hành vi buôn bán pháo nổ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sẽ bị phạt tiền theo các mức độ như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị dưới 1.000.000 đồng; b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng; c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; h) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; i) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; k) Phạt tiền 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Các mức phạt tiền trong quy định vừa nêu cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với: “Chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có hành vi vận chuyển hàng cấm; chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hàng cấm; người có hành vi giao nhận hàng cấm”.

Đối với hành vi sản xuất pháo thì bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt như quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung như: bị tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện; tịch thu phương tiện vận tải…Không những thế, người vi phạm còn phải khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy tang vật; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…

- Trường hợp vận chuyển qua biên giới thì bị truy tố

 

Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, hậu quả gây ra cho xã hội, tuỳ từng trường hợp thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó,  Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo, quy định:

“Người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ có số lượng từ 2kg đến dưới 30kg; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có số lượng từ 1kg đến dưới 15kg hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử lý hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự (BLHS); nếu vận chuyển, mua bán trái phép qua biên giới thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm c Khoản 2 Điều 232 BLHS”.

Trường hợp người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có số lượng dưới đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các Khoản 2, 3 và 4 tương ứng của Điều 232 BLHS: “a) Pháo nổ có số lượng từ 30kg đến dưới 90kg; thuốc pháo có số lượng từ 15kg đến dưới 75kg (Khoản 2 Điều 232 BLHS); b) Pháo nổ có số lượng từ 90kg đến dưới 300 kg; thuốc pháo có số lượng từ 75kg đến dưới 200kg (Khoản 3 Điều 232 BLHS); c) Pháo nổ có số lượng từ 300kg trở lên; thuốc pháo có số lượng từ 200kg trở lên (Khoản 4 Điều 232 BLHS)”…

Trên đây là những quy định của pháp luật đối với hành vi buôn lậu  nói chung và buôn lậu pháo trong dịp tết nói riêng. . Vì vậy, việc kiểm soát hoạt động này của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Nên đọc
Luật sư Nguyễn Hồng Thái
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo