Buôn ôtô sang triệu đô: Đâu dễ moi tiền nhà giàu Việt
Người giàu Việt Nam ngày càng nhiều, các đại gia Việt rất chịu chơi... Việt Nam đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hãng xe sang tìm kiếm lợi nhuận. Hàng loạt tên tuổi xe sang đến Việt Nam, đổ hàng triệu USD để thiết lập hệ thống kinh doanh. Sự sang trọng và hoành tráng thì thấy rõ nhưng lợi nhuận chưa hẳn đã như bề ngoài long lanh thường thấy.
Tiếng nhiều hơn miếng
Một đại gia đang kinh doanh ô tô sang cho biết, mức tăng trưởng xe sang năm 2014 trên 20% là rất ấn tượng. Tuy nhiên, xe sang ở phân khúc thấp, từ 1,2 - 4 tỷ đồng có mức trưởng tốt hơn so với những xe sang giá từ 4 tỷ đồng trở lên. Xe càng đắt tiền càng khó bán. Thậm chí có những thương hiệu còn giảm thê thảm.
Dẫn số liệu từ Cục Đăng Kiểm Việt Nam, đại gia này cho biết, thương hiệu xe siêu sang Bentley từ năm 2004 đến nay có trên 200 xe lưu hành ở Việt Nam. Năm có số lượng xe đăng kiểm lớn nhất là 2010 với 43 chiếc, sang 2011 giảm xuống còn 22 chiếc đến 2012 còn 18 chiếc, 2013 còn 9 chiếc; năm 2014, tính đến hết tháng 8 chỉ đúng có 1 chiếc.
Rolls Royce hiện có gần 100 chiếc đang lưu hành, nhưng năm đăng kiểm nhiều nhất là 11 chiếc và năm 2014 giảm xuống chỉ có 2 chiếc.
Với thương hiệu ở phân khúc thấp hơn như Porsche từ 2012 đến hết tháng 8/2014 có tất cả 76 xe đăng kiểm, trong đó chủ yếu là Cayenne và Panamera, còn mẫu 911 rất ít, chỉ có vài chiếc. Các mẫu xe sang của Mercedes Benz như S500, S600, hay BMW 7 Seri cũng có số lượng không nhiều.
Các số liệu thống kê quốc tế cho thấy, năm 2014, Việt Nam có 210 người có tài sản trên 30 triệu USD. Nếu tính những người có từ 5 triệu USD trở lên thì con số có thể tới trên 2.000.
Người giàu Việt Nam hẳn còn nhiều hơn thế nhưng chắc chắn không phải đại gia nào cũng đầu tư vào chơi xe sang, siêu sang, nên số tiền dành cho xe hơi và cụ thể là xe siêu sang không nhiều.
Đại gia này cho biết, năm 2014 vừa qua khi chính sách với ô tô cởi mở hơn, thuế phí giảm khiến nhu cầu vốn bị bóp nghẹt trước đây được dịp bung ra nhưng chưa phải là ghê gớm. Chủ yếu người mua xe sang hiện nay là phục vụ cho công việc, nhu cầu đi lại của cá nhân, còn những người tự tưởng thưởng cho mình, do làm ăn khấm khá, bổ sung thêm, làm dày bộ sưu tập xe sang, siêu sang, siêu xe là không có.
Giữa năm 2014, Rolls Royce khai trương đại lý chính thức tại Việt Nam và đặt kế hoạch bán được mức 2 con số trong năm đầu tiên, nhưng đến nay mới bán được 2 chiếc.
Bentley khai trương đại lý chính thức vào tháng 10/2014 và đến nay chưa bán được chiếc xe nào. Mới đây Mercedes Benz đã giới thiệu mẫu xe siêu sang May Bach S600 với giá bán 9,7 tỷ đồng và năm 2015 chỉ đặt kế hoạch bán được 10 chiếc.
Lợi nhuận cao nhưng còn lỗ dài
Theo tính toán, lợi nhuận bán xe sang thường chiếm khoảng 10%-15% giá bán xe. Mặc dù vậy, không phải cứ kinh doanh xe sang đều lãi lớn. Một đại lý xe sang chính hãng mới khai trương tại Hà Nội cho biết họ lên kế hoạch chấp nhận lỗ 5 năm liên tiếp.
Đầu tư cho đại lý bán xe sang thường rất lớn và vận hành tốn kém. Từ bộ phận tiếp khách luôn đòi hỏi phải đẳng cấp hơn người, cho đến các thiết bị chuyên dụng phục vụ sửa chữa, bảo hành bảo dưỡng, cùng với vị trí phải đẹp.
Một đại lý bán xe sang có chi phí đầu tư lên tới 200 tỷ đồng nhưng năm đầu bán chưa tới 400 xe thì lợi nhuận chắc không thể nào lớn.
Honda Việt Nam, phân phối mẫu Accord nhập khẩu nguyên chiếc từ tháng 6/2014. Mỗi chiếc xe này nhập khẩu về Việt Nam sau khi nộp các loại thuế có giá quanh mức 1,24 tỷ đồng và giá bán công bố là 1,47 tỷ đồng/xe, chênh lệch lên tới 230 triệu đồng, chiếm khoảng 15% giá bán. So với các mẫu xe khác đây là mức cao, nhưng với số lượng xe bán ra 6 tháng cuối năm chỉ có 84 xe thì lợi nhuận thu được cũng chẳng ăn thua, bởi số tiền trên không phải được bỏ túi tất cả mà còn rất nhiều khoản chi.
Đầu 2014, khi vào mới Việt Nam, Lexus đã phàn nàn một số mẫu xe phân phối bị thua lỗ. Chẳng hạn như mẫu ES 350 có giá CIF là 33.051 USD, khi về Việt Nam tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lợi nhuận... giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng là 121.000 USD, DN lãi 12.394 USD, tương đương 10%.
Tuy nhiên số tiền đó, DN phải chi rất nhiều khoản mục như tiền thưởng đại lý, hỗ trợ bán hàng, chi phí truyền thông, quảng cáo, bảo hiểm, dịch vụ bảo dưỡng miễn phí... Tính ra mỗi chiếc ES 350 bị lỗ 1.278 USD.
Đấy là với những xe sang phân khúc thấp, có doanh số bán nhiều, nếu tính cho xe siêu sang có giá từ 15-30 tỷ đồng, lợi nhuận 10-15%, nhưng cả năm chỉ bán được vài chiếc thì số tiền thu được liệu có đủ trả tiền thuê mặt bằng, duy trì các thiết bị kỹ thuật và trả lương nhân viên...
Một đại lý xe siêu sang mới khai trương tại Hà Nội cho biết, khi tính toán làm dự án đầu tư vào Việt Nam từ cách đây 3 năm, thấy thị trường có bước tăng trưởng nhanh nên quyết tâm đầu tư. Tuy nhiên, khi đầu tư xong thì đúng lúc kinh tế khó khăn, doanh số bán xe siêu sang lại giảm khiến, cho nên họ chỉ còn biết chịu đựng thua lỗ và chưa biết khi nào thị trường mới khởi sắc trở lại.
Mới đây cơ quan chức năng lại dự thảo chính sách tăng mạnh thuế với xe có dung tích động cơ 5.0L-6.0L lên gần 200%, mà xe siêu sang toàn sử dụng động cơ dung tích này. Nếu thực hiện, giá xe tăng gấp 4 lần hiện nay thì chắc chắn chỉ có phá sản nên các ông chủ đang lo ngay ngáy.
Theo VietNamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo