Xã hội

Bút tích Di chúc gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bút tích di chúc gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày trong triển lãm “45 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh diễn ra từ 29/8 – 29/10. Triển lãm do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 45 năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2014)

Trang đầu của toàn văn bản chụp Di chúc gốc


Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt; kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại. Bản di chúc chứa đựng những nghĩ suy trăn trở của Người về con đường và tương lai của dân tộc Việt Nam. Ngay sau khi Người qua đời, bản di chúc được công bố đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng tổ quốc, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Song do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ mà có một số điều chưa được công bố.


Bác viết bản di chúc gồm ba trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh, có chữ kí của Bác và chữ kí của đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi đó. 



Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn gồm 6 trang viết tay. Trong đó, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng” đã viết trong bản năm 1965 và viết thêm một số đoạn. Đó là những đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi như: chỉnh đốn lại Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước. Trong đó, đoạn viết về chỉnh đốn lại Đảng và chăm sóc đối với thương binh, Bác viết rồi lại gạch chéo; đoạn nói về xây dựng lại đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, chuẩn bị thống nhất đất nước, Bác gạch dọc ở bên trái ngoài lề.


 Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang  viết tay.


Tại Hội nghị bất thường của Ban chấp hành Trung ương Đảng ( khóa III) họp chiều ngày 3/9/1969 đã giao cho Bộ Chính trị  trách nhiệm công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản di chúc được công bố chính thức chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, trong đó có ột số đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và năm 1969.


Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa tang là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ lại thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam và bạn bè quốc tế có điều kiện tới viếng Bác.


Việc chưa công bố một số đoạn Bác viết thêm năm 1968 về những việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn là vì năm 1969 khi Bác qua đời, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn đang gay go, ác liệt; chúng ta chưa giành được thắng lợi cuối cùng nên việc công bố những đoạn nói trên lúc ấy là chưa thích hợp. Mặt khác, có một số câu bác viết rồi lại xóa, chưa thật rõ ý. Vì vậy, sau khi Bác qua đời chưa thể đưa vào bản Di chúc công bố chính thức lúc bấy giờ.


 Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc Bác Hồ viết từ ngày 10 tháng 5 năm 1965 đến ngày 19 tháng 5 năm 1969) được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012, hiện lưu giữ tại Cục lưu trưc Văn phòng Trung ương Đảng


Triển lãm “45 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh”giới thiệu đến công chúng gần 200 ảnh, tài liệu và hiện vật với 2 nội dung chính là Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi triển lãm:



 Bác Hồ đã sử dụng chiếc máy đánh chữ hiệu Hermes này để soạn thảo bản Di chúc lịch sử vào tháng 5 năm 1965
 

Phần II của triển lãm về 45 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh

 Phần II của triển lãm về 45 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh
Những di vật từng đi vào bao điệu lời thơ

 Quyển sưu tập báo xuất bản năm 1969 có in các bài viết về lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh và Di chúc của Người bằng các thứ tiếng: Việt, Nga, Đức, Pháp, Triều Tiên, Ý, Hungari, Bungari, Ba Lan, Rumani, Ả-Rập, Séc và Anh


Người dân khắp mọi miền tụ họp quanh quảng trường Ba Đình trong những ngày đầu tháng 9


 

Thu Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo