BVĐK Phú Thọ chính thức triển khai hệ thống chuẩn đoán hình ảnh (PACS)
PACS (Picture Archiving and Communication Systems) là hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh. PACS được ứng dụng trong việc lưu trữ dữ liệu hình ảnh một cách an toàn và kinh tế, truyền dữ liệu hình ảnh giúp cho việc hội chẩn, chẩn đoán, điều trị đào tạo và nghiên cứu từ xa, mở rộng khả năng xem và báo cáo từ xa. PACS là một bộ phận thông tin không thể thiếu của một hệ thống thông tin y tế.
Trước đây, khi chưa có hệ thống này, hầu hết các bệnh viện thực hiện việc quản lý và lưu trữ các hồ sơ song song dưới dạng văn bản giấy và phim. Các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh được lưu trữ rời rạc, tách rời giữa phim và biên bản ghi nhận kết quả chẩn đoán, không đồng bộ nên dễ nhầm lẫn, thất lạc. Mặt khác, việc chuyển cho bệnh nhân phim để lưu trữ, với mục đích sử dụng để tham khảo cho lần khám chữa bệnh sau cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn, thường các phim trong điều kiện không được bảo quản đúng tiêu chuẩn, chỉ tồn tại trong thời gian tương đối ngắn và thường bị trầy xước không thể đọc chính xác được. Với phương pháp đó, chi phí cho việc in phim, lưu trữ phim phục vụ cho công tác chẩn đoán hình ảnh và hồ sơ bệnh án giấy là rất lớn.
Ngày 16/11/2015, lãnh đạo Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4868/QĐ-BYT phê duyệt Đề án triển khai thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS tại một số bệnh viện với mục tiêu thí điểm ứng dụng hệ thống PACS trong quản lý, xử lý hình ảnh, đọc kết quả và trả kết quả chẩn đoán hình ảnh không sử dụng phim, trên cơ sở đó để Bộ Y tế đánh giá chi phí hiệu quả để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, các bệnh viện thực hiện sẽ ứng dụng hệ thống lưu trữ, xử lý và truyền hình ảnh y tế PACS để quản lý, xử lý hình ảnh, đọc kết quả và trả kết quả chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp CT-Scanner và chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) không sử dụng phim. Việc ứng dụng cũng làm căn cứ để Bộ Y tế đánh giá chi phí hiệu quả của việc áp dụng PACS trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh không cần in phim để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, hệ thống PACS Plus đã được triển khai và bắt đầu đưa vào vận hành thử nghiệm bắt đầu từ tháng 7/2016 đến nay. Hệ thống đã kết nối và tiếp nhận hình ảnh từ các máy sinh ảnh (Xquang, CT, MRI,…) tại 3 tòa nhà của khoa Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA). Hàng ngày, khối lượng hình ảnh trung bình được chuyển vào lưu trữ trên hệ thống PACS như sau: 400 ca chụp Xquang với dung lượng lưu trữ tương đương 4,5GB, 200 ca chụp CT với dung lượng lưu trữ tương đương 17GB, 60 ca chụp MRI với dung lượng tương đương 8GB. Đồng thời đã lắp đặt 10 máy trạm (PACS Client), cài đặt phần mềm PACSPLUS Viewer và PACSPLUS Publisher tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, cài phần mềm Ppweb Viewer đồng bộ tại các khoa lâm sàng; cài đặt Worklist cho các máy sinh ảnh (Modality) nhận chỉ định trực tiếp từ phần mềm HIS… Đến thời điểm hiện tại, các bác sỹ tại khoa CĐHA đã có thể sử dụng các máy PACS Client để xem ảnh, thực hiện các tác vụ CĐHA và trả kết quả bằng phần mềm PACSPLUS Viewer, in đĩa trả cho người bệnh bằng phần mềm PACSPLUS Publisher. Các bác sỹ tại khoa lâm sàng và các phòng khám xem được kết quả CĐHA trực tiếp trên phần mềm HIS. Các bác sỹ hoàn toàn có thể truy cập xem hình ảnh và thực hiện chẩn đoán hình ảnh trên môi trường mạng Internet bằng máy tính hoặc Smartphone…
Sau 1 năm triển khai thí điểm, hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS đã có những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, vừa thuận lợi cho công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân, vừa mang lại lợi ích kinh tế y tế. Các bác sỹ khoa CĐHA có thể đọc hình ảnh ngay sau khi người bệnh được chụp chiếu và gửi lên hệ thống PACS; kết quả hình ảnh được xử lý kịp thời, đáp ứng yêu cầu của các khoa lâm sàng; hỗ trợ các bác sỹ đưa ra kết luận chính xác hơn trong quá trình khám chữa bệnh; giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tiết kiệm chi phí khi người bệnh được phép thanh toán BHYT không cần in phim; nâng cao chất lượng phục vụ người dân; có khả năng kết nối nhiều bệnh viện với nhau để tạo thành 1 trung tâm hội chẩn từ xa. Bên cạnh đó, hình ảnh được lưu truyền trên hệ thống PACS và sao lưu trên đĩa CD có dung lượng lớn, chứa được nhiều hình ảnh, nhiều tư thế hơn, thuận lợi hơn cho việc kiểm tra, đọc lại kết quả. Dữ liệu được lưu trên hệ thống có thể truy cập, kiểm tra khi cần thiết. Toàn bộ dữ liệu hình ảnh của người bệnh được lưu theo thời gian chỉ định, dễ dàng tra cứu, xem xét lại, so sánh các lần chụp khi cần thiết. Thời gian phục vụ người bệnh được rút ngắn đáng kể, đặc biệt là đối với chụp CT, MRI do không phải lựa chọn ảnh để in phim và thời gian in phim bao giờ cũng lâu hơn là chỉ in đĩa đơn thuần. Đặc biệt, tiết kiệm, giảm chi phí liên quan đến sử dụng phim Xquang; giảm bớt đáng kể lượng vật tư tiêu hao như: hóa chất, túi đựng phim, phim các loại…
Ngày 17/7/2017, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chính thức triển khai, áp dụng hệ thống này trong công tác khám chữa bệnh. Theo đó, Bệnh viện sẽ tập huấn quy trình cho các Khoa, phòng, trung tâm đặc biệt là cho 100% cán bộ khoa CĐHA. Thực hiện không in phim đối với 100% trường hợp điều trị nội trú khi được thanh toán BHYT, với bệnh nhân ngoại trú thực hiện tư vấn tối đa sử dụng trả đĩa ảnh thay trả phim. Nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT, đảm bảo tốc độ đường truyền của riêng hệ thống PACS và của toàn Bệnh viện đạt 1Gbps trở lên. Bổ sung hệ thống lưu trữ dự phòng đảm bảo an toàn dữ liệu. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống PACS tại Bệnh viện, thực hiện kết nối với các thiết bị Modality. Nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác CĐHA tại khoa CĐHA và các khoa lâm sàng…
End of content
Không có tin nào tiếp theo