Cá nục nhiễm độc phenol: Mẫu cá nục được kiểm nghiệm lại
Tin tức trên báo Infonet, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết cùng với việc gửi mẫu cá nục, Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Trị cũng phải gửi kèm cả quy trình xét nghiệm chi tiết các mẫu cá nục chứa chất cấm phenol.
Ông Phong cho biết để kiểm nghiệm hoá chất phenol rất khó, các chuyên gia của Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia sẽ phải chưng cất nhiều lần. Ông Phong cho rằng có thể Chi Cục An toàn thực phẩm của tỉnh Quảng Trị đã nóng vội thông báo kết quả kiểm nghiệm cá nục chứa phenol.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo trong giai đoạn này phải xét nghiệm liên tục để phát hiện kim loại nặng, độc tố trong hải sản nếu có. Nếu sản phẩm không đảm bảo chất lượng, địa phương phải xử lý ngay. Mẫu kiểm nghiệm nào mà địa phương không kiểm nghiệm được sẽ gửi mẫu ra trung ương để kiểm nghiệm.
Trước đó, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Phòng Y tế, Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh tổ chức tiến hành điều tra xác minh số hải sản còn tồn kho ở các kho đông lạnh tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Báo Nông nghiệp Việt Nam thông tin.
Đoàn kiểm tra kho đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc. Tổng kho có 110 tấn cá, trong đó có 70 tấn cá nục, 10 tấn cá ngừ, 20 tấn cá trích, cá sòng và 10 tấn cá lẫn lộn khác. Phần lớn cá được thu mua sau thời điểm cá chết bất thường ở miền Trung. Đoàn đã lấy 6 mẫu ngẫu nhiên tại kho đông lạnh của bà Thuộc để phân tích, kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy trong 6 mẫu thì có đến 5 mẫu cho kết quả chỉ tiêu kiểm nghiệm nằm trong giới hạn an toàn.
Riêng mẫu cá nục đại diện cho lô hàng 30 tấn thu mua sau thời điểm cá chết bất thường có hàm lượng phenol là 0,037mg/kg, là chất cực độc tuyệt đối cấm không có trong thực phẩm. Với kết quả này, Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các ngành cho phép tiêu thụ 5 lô hàng có kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép.
Còn lô hàng cá nục 30 tấn thu mua ngay sau thời điểm cá chết bất thường của hộ kinh doanh Lê Thị Thuộc buộc phải tiêu hủy và có phương án hỗ trợ thiệt hại do sự cố cá chết gây ra cho bà Thuộc. Theo bà Thuộc, 30 tấn cá nục suôn được mua sau khi xảy ra hiện tượng cá chết khoảng 15 ngày với giá 25 nghìn đồng/kg.
Cá này được ngư dân đánh bắt xa bờ, ngoài 30 hải lý và có chứng nhận về an toàn thực phẩm đối với những loại cá đánh bắt xa bờ nên yên tâm thu mua, để cấp đông tiêu thụ dần nhưng không bán được.
Về hướng xử lý, ông Trần Văn Thành, cho biết, theo quy định đơn vị này đã báo cáo UBND tỉnh, việc giải quyết thì đang phối hợp. "Còn việc giữa Sở Y tế và Nông nghiệp, tới đây chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, để có thống nhất chung".
End of content
Không có tin nào tiếp theo