Cà phê rớt giá, nông dân “om” hàng
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam cho biết, mặt hàng cà phê niên vụ 2014 – 2015 đã thu hoạch xong với sản lượng giảm 20% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê trong những tháng qua đã giảm mạnh về lượng vẫn giá. Dự kiến, 4 tháng đầu năm 2015 lượng xuất khẩu chỉ đạt 465.000 tấn với 968 triệu USD, giảm 41,8% về lượng và giảm 39,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Phân tích cụ thể hơn về tình hình giá cả, ông Vinh cho biết, trong tháng 1, giá nội địa đã nhỉnh lên một chút với mức giá trung bình đạt 40,1 triệu đồng/tấn, trong khi đó giá xuất khẩu FOB lại giảm xuống còn 1.873 USD/tấn. Sang tháng 2, giá nội địa còn 39,9 triệu đồng/tấn còn theo giá FOB chỉ còn 1.846 USD/tấn. Như vậy giá xuất khẩu còn thấp hơn giá thu mua trong nước.
Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do USD tăng so với các đồng tiền khác, các quỹ đầu cơ tài chính quốc tế tham gia vào thị trường bán khống nhiều hợp đồng giấy làm cho giá cà phê giảm mạnh.
Theo nhận định của Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, hiện giá xuất khẩu quá thấp khiến nông dân và nhà xuất khẩu đều không mặn mà với việc bán ra mà chỉ “cầm” hàng để chờ giá trên 40 triệu đồng/tấn (đối với cà phê Robusta nhân xô) mới bán.
Chính vì vậy, ông Vinh kiến nghị, cần có những ưu đãi về mặt lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê được tiếp cận nhanh nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để thu mua xuất khẩu và triển khai công tác tái canh cây cà phê trong các niên vụ tới. Các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn trong việc đơn giản thủ tục, thời gian và công tác kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.
Hiện tại, Đức và Hoa Kỳ vẫn là 2 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với lượng nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2015 lần lượt là 68.950 tấn và 43.866 tấn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo