Thị trường

Cà phê Việt: Bỏ ngỏ chế biến sâu cho khối ngoại

Với tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm quản lý lâu năm, nhiều doanh nghiệp ngoại đầu tư vào chế biến sâu cà phê phục vụ xuất khẩu và hưởng lợi đáng kể…

Nghịch lý xuất thô, nhập tinh

Dù là một trong những cường quốc thế giới về xuất khẩu cà phê (chiếm 19% thị phần cà phê toàn cầu), Việt Nam chưa thực sự đi sâu vào khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm này.

Hiện tại, xuất khẩu cà phê dạng thô của Việt Nam chiếm tới 90%, trong khi tỷ lệ cà phê chế biến sâu, giá trị gia tăng cao chỉ mới chiếm 10% trong tổng sản lượng cà phê nhân. Đây là một thiệt thòi lớn cho ngành nông nghiệp Việt.

Cà phê Việt vẫn chủ yếu xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp.

Bởi theo các chuyên gia trong ngành nhận định, cà phê chế biến sâu là khâu cho giá trị gia tăng cao nhất, từ 70-100 triệu đồng/tấn cà phê quy nhân. Trong khi đó, nếu tính theo giá xuất khẩu tại cảng Việt Nam thì mỗi tấn cà phê hiện chỉ có giá trên dưới 40 triệu đồng.

Vì do chủ yếu xuất khẩu dạng thô nên cà phê Việt chưa có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường quốc tế, chưa kể còn trở thành nguyên liệu cho nhiều nước dùng để chế biến sâu rồi tái suất tiêu thụ tại Việt Nam. Nên ngược dòng cà phê thô xuất khẩu, Việt Nam đồng thời phải nhập khẩu ngày càng lớn cà phê dạng rang xay, hòa tan…

Trong khi đó, cơ hội đầu tư chế biến sâu cà phê đối với Việt Nam là rất lớn. Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vifoca), cà phê chế biến, cụ thể là cà phê hòa tan, đã chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và được dự báo sẽ còn tăng trưởng cao trong nhiều năm tới.

Khối ngoại lấn sân cà phê chế biến

Nắm bắt được xu thế này, nhiều doanh nghiệp ngoại với tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm quản lý lâu năm đang “ồ ạt” đầu tư vào cà phê chế biến sâu phục vụ xuất khẩu và hưởng lợi đáng kể từ hướng đi này…

 

Năm 2015, Tập đoàn Neumann Gruppe (Đức) đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại Long Thành (Đồng Nai) với giá trị đầu tư 12 triệu USD, công suất dự kiến đạt 100 nghìn tấn cà phê nhân/năm. Đây là nhà máy thứ hai của Tập đoàn này tại Việt Nam, nhà máy đầu tiên được xây dựng năm 1992 tại tỉnh Bình Dương.

Trước đó, cuối năm 2014, công ty con của Tập đoàn Massimo Zanetti Beverage (Italia) đã khai trương nhà máy cà phê đầu tiên tại Việt Nam ở Khu công nghiệp Mỹ Phước III (Bình Dương) trên diện tích 5.000 m2 với công suất rang xay 3.000 tấn cà phê/năm.

Hay như trường hợp Nestlé Việt Nam, để đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm cà phê hòa tan, năm 2015, Công ty này đã xây dựng nhà máy Nestlé Trị An tại Biên Hòa (Đồng Nai) với số vốn đầu tư 230 triệu USD để chuyên phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu ra thế giới.

Trong năm nay, Nestlé Việt Nam cũng vừa khánh thành dây chuyền sản xuất viên nén Nescafé Dolce Gusto sử dụng nguyên liệu thô hoàn toàn từ hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao, ước công suất chế biến khoảng 2.500 tấn/năm, cũng với định hướng tập trung cho xuất khẩu.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vifoca cho biết, hiện khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm khoảng 40% khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Đáng chú ý, dù chiếm 40% khối lượng nhưng các doanh nghiệp này chủ yếu xuất khẩu cà phê rang xay, cà phê hòa tan, mang lại giá trị gia tăng lớn gấp nhiều lần so với cà phê nhân.

 

Trong khi khối ngoại mở rộng quy mô trong “miếng bánh” chế biến thì khối nội vẫn chủ yếu tập trung ở một số doanh nghiệp lớn như Vinacafe Biên Hoà, Tổng công ty Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Cà phê Mê Trang, Tập đoàn An Thái…

Chế biến sâu đối mặt nhiều thách thức

Để nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” với tổng kinh phí dự kiến khoảng 170 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2018- 2023, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án hướng tới hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ cà phê, xây dựng được thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu, bảo đảm có 50% doanh nghiệp đầu ngành gắn thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao trên bao bì sản phẩm trong giao dịch, mua bán trên thị trường trong nước và thế giới…

Ngoài ra, Đề án sẽ hỗ trợ tối thiểu 10 doanh nghiệp hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến ướt, nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch; hỗ trợ tối thiểu 5-10 doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao…

 

Đề cập đến định hướng chính sách trên, nhiều chuyên gia cho rằng các giải pháp hỗ trợ từ Đề án sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp trong nước có thể đi sâu vào khâu chế biến cà phê, từng bước xây dựng thương hiệu đảm bảo cạnh tranh với các công ty đa quốc gia.

Đồng quan điểm các hỗ trợ tại Đề án là tích cực, tuy nhiên ông Tự cũng lưu ý một số thách thức, như việc đẩy mạnh đầu tư vào cà phê chế biến sâu là điều không dễ dàng đối với các doanh nghiệp trong nước, do đòi hỏi vốn rất lớn, quy trình quản lý chuyên nghiệp. Ước tính, để có một hệ thống chế biến cà phê hòa tan hoặc rang xay có công suất 1.000 tấn, doanh nghiệp phải bỏ ra ít nhất là 10 triệu USD.

Bên cạnh đó, diện tích cà phê của Việt Nam tuy lớn nhưng lại phân tán nên khó cho việc đầu tư kỹ thuật trồng trọt và chế biến, nguyên liệu đầu vào cũng chưa ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy chế biến sâu…

Vì vậy, để thúc đẩy khối doanh nghiệp trong nước đi sâu vào khâu chế biến cà phê, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, bên cạnh những hỗ trợ trên của Đề án.

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo