Thị trường

Cà phê Việt chờ thời khởi sắc

Thị trường cà phê thế giới cuối tháng 6/2018 đã có tín hiệu tích cực hơn, khi giá phục hồi…

Giá cà phê lao dốc

Trái với niên vụ 2016-2017 (kéo dài từ tháng 10 đến tháng 9 năm kế tiếp) được mùa, được giá, kể từ tháng 11/2017, giá cà phê liên tục “lao dốc”. Mức giá đỉnh điểm vụ trước ở khoảng 47 nghìn/kg đã nhanh chóng thay bằng các mức giá mới. Đến thời điểm hiện tại, giá cả phê dao động quanh mức 35-37 nghìn đồng/kg, giảm đến 25% so với hồi đầu năm 2017.

Theo các chuyên gia, giá cà phê giảm do sức ép dư cung. Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2017-2018 ước khoảng 159,66 triệu bao, tăng 1,2% so với năm ngoái.

Đặc biệt, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hồi giữa tháng 6, giá cà phê liên tục chịu áp lực giảm giá. Giá cà phê giao dịch trên thị trường thế giới hôm 14/6 (thời điểm Fed tăng suất) chạm đáy 2 năm.

Việc đồng Real của Brazil - nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới - suy yếu so với USD khiến người trồng cà phê tại nước này càng tăng bán cà phê vụ mới, gây sức ép dư cung lên thị trường cà phê toàn cầu. Thị trường cà phê nói riêng và hàng hóa nói chung cũng chịu áp lực bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…

Với kinh nghiệm theo dõi giá cà phê trong nhiều năm, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, giá cà phê vẫn chưa chạm đáy. Tuy nhiên, trong khoảng tuần thứ ba của tháng 7 giá cà phê có thể bắt đầu tăng trở lại.

Mặc dù giá cà phê trong nước đang giảm sâu, nhưng diện tích trồng cà phê được dự báo là sẽ tăng nhẹ so với năm ngoái do người dân vẫn mang tâm lý đẩy mạnh sản xuất để chờ giá cà phê tăng.

Kỳ vọng vào xuất khẩu

Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 959,5 nghìn tấn cà phê, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thì dự đoán, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 27,65 triệu bao trong niên vụ 2017-2018, tăng khoảng 100 nghìn bao so với niên vụ trước.

Hai thị trường xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều được dự báo sẽ tăng lượng nhập khẩu cà phê trong năm nay. EU dự kiến sẽ tăng nhập khẩu cà phê thêm 1 triệu bao, lên 48 triệu bao trong niên vụ 2018-2019, chiếm hơn 40% khối lượng nhập khẩu cà phê toàn cầu. Nhập khẩu cà phê Mỹ được dự báo tăng thêm 2,4 triệu bao, lên 27 triệu bao trong niên vụ 2018-2019.

Đáng chú ý, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Indonesia năm 2018 đã tăng đột biến. So với cùng kỳ năm 2017, giá trị xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2018 sang Indonesia đạt 102 triệu USD, tăng 97,1% (khối lượng 52.528 tấn). Nguyên nhân chính được cho là do nước này nhập khẩu cà phê Việt Nam với giá và chất lượng tốt để chế biến cà phê hòa tan, tiêu thụ nội địa, hoặc tái xuất. 

Một số thị trường khác cũng tăng mạnh như Nga tăng 76,8% (đạt 84 triệu USD), Philippines tăng 54,1% (đạt 65 triệu USD), Algeria tăng 10,8% (đạt 64 triệu USD), Nhật Bản tăng 5,8% (đạt 101 triệu USD).

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho đến thời điểm này khối lượng hàng tồn kho vụ trước của Việt Nam không còn nhiều, chỉ đủ để cung ứng cho hoạt động xuất khẩu 4 tháng còn lại của niên vụ cà phê 2017- 2018, xấp xỉ khoảng 1 triệu bao/tháng. 

Người trồng cà phê của Việt Nam cũng giữ hàng, không bán ở mức giá thấp khiến nguồn cung cà phê Robusta có dấu hiệu chậm lại. Thị trường cà phê thế giới cuối tháng 6/2018 đã có tín hiệu tích cực hơn, khi giá phục hồi.

Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, ông Nguyễn Viết Vinh thì cho hay: “Vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo về niên vụ cà phê 2018-2019, nhưng thời tiết đang rất ủng hộ cho quá trình ra quả hiện nay của cây cà phê”.

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo