Cá tầm Việt “chết yểu” vì cá tầm Trung Quốc
Những năm 2013, được gọi là thời “hoàng kim” của nghề nuôi cá tầm khi cả huyện Kon Plông có đến 2 công ty, 4 hợp tác xã đầu tư “tiền tỷ” vào nuôi. Các đơn vị đều đầu tư nuôi rất bài bản, chủ động được con giống và kỹ thuật. “Cá không phụ công người”, đàn cá tầm sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh trên vùng nước lạnh Măng Đen, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư lẫn du khách tham quan. Giá cá tầm thời đó có lúc lên đến 500.000-600.000 đồng/kg, còn trứng của nó thì tính bằng tiền đô. Thị trường của thương hiệu cá tầm Măng Đen trải dài từ khắp miền Trung và Tây Nguyên.
Nhưng rồi nghề nuôi cá tầm không tránh khỏi quy luật lên xuống của thị trường. Từ khi nguồn cá tầm giá rẻ của Trung Quốc “len lỏi” vào cả nước đã khiến nhiều người nuôi tại Măng Đen rơi vào lao đao. Cá tầm Trung Quốc bán ngay tại Măng Đen với giá chỉ có 70.000 đồng/kg, để cạnh tranh, người nuôi đồng loạt giảm giá nhưng cũng không bán được. Lần lượt 5 đơn vị đi đầu trong nuôi cá tầm ở đây phải dừng hoạt động.
Xã Măng Cành (huyện Kon Plông) được xem là một “địa chỉ đỏ” trong phát triển nghề nuôi cá tầm Măng Đen. Tuy nhiên, tiềm năng là có nhưng đầu ra lại không khiến người nuôi phải từ bỏ cuộc chơi. Hợp tác xã (HTX) nuôi cá tầm, cá hồi ở Măng Cành nằm ở vị thế rất đẹp. Các ao nuôi cá được đầu tư kiên cố nhưng đều nằm trong tình trạng bỏ không, cả khu nuôi cá tầm không thấy 1 bóng người.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Tĩnh – Chủ nhiệm HTX cá tầm Măng Cành vừa lật cuốn sổ ghi chép về nghề nuôi và ghi rõ sự tuột giá cá hồi trong những năm qua.
Ông Tĩnh cho biết: “HTX có 8 hộ tham gia và bắt đầu nuôi từ năm 2013. Cá tầm nuôi ở đây rất thích hợp, chỉ cần 7 đến 9 tháng đã cho thu hoạch. Nhưng vào năm 2014, con cá tầm Trung Quốc giá rẻ xuất hiện, người mua căn cứ vào mức giá để lựa chọn nên cá tầm ở đây không cạnh tranh được. Sau 2 năm nuôi cá tầm, dù đã hạ giá hơn nữa nhưng cá tầm không có đầu ra, HTX phải dừng nuôi. Cũng vì vậy mà các ao nuôi đầu tư hàng tỷ đồng giờ bỏ hoang…”.
Do bị phá giá, lượng tiêu thụ cá tầm Măng Đen giảm mạnh, một số trại nuôi không chịu nổi sức ép này đã phải bỏ nghề nuôi. HTX nuôi cá tầm Đắk Long nhiều năm nay đã phải để ao bỏ không. Ao nuôi cỏ mọc lên cao ngút, rêu phong bám xanh rì. Các cơ sở hạ tầng khác theo năm tháng không được đầu tư nên cũng đã xuống cấp.
Chị Đào Thị Hương – Chủ nhiệm HTX nuôi cá tầm Đắk Long cũng không thể lý giải, bằng cách nào mà cá Trung Quốc bán với giá rẻ mạt như vậy?.
“HTX nuôi được 3 năm đầu là có lãi. Nhưng từ khi cá tầm Trung Quốc trà trộn vào thị trường Việt thì chúng tôi bị mất đầu ra. Tôi đã cố gắng tìm hiểu, nhưng không thể biết vì sao cá tầm Trung Quốc có giá rẻ đến vậy?. Tuy nhiên, thấy rõ ràng nhất là về chất lượng cá tầm Trung Quốc thua xa cá ở Măng Đen. Do cá tầm còn khá mới ở Việt Nam, người tiêu dùng ít có sự so sánh về chất lượng giữa cá tầm nội và cá Trung Quốc. Ngoài ra, một số nơi “treo đầu dê bán thịt chó”, mua cá tầm Trung Quốc nhưng giới thiệu cá tầm Măng Đen để đánh lừa người tiêu dùng…”, chị Hương nói.
Ông Lê Tấn Hiển - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kon Plông cho biết: “Về chính quyền địa phương rất tạo điều kiện để phát triển nuôi cá tầm. Điều kiện tự nhiên ở đây cũng rất thích hợp với loài cá này. Tuy nhiên, nuôi cá tầm ở Kon Plông gặp khó khăn là do giá cả thị trường. Giá cá tầm Trung Quốc được đem về bán tại Măng Đen chỉ 70.000 đồng/kg, trong khi đó để có lời, giá cá tầm phải bán được 250.000 đồng/kg. Để giải quyết khó khăn, huyện đang cố gắng tìm kiếm đầu ra, nhằm vực lại thương hiệu cá tầm Măng Đen”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Langfarm Center: Điểm tham quan, trải nghiệm và mua sắm mới lạ của Đà Lạt
Giá vàng ngày 5/1/2025: SJC dao động quanh mức 85 triệu đồng/lượng
‘Thúc’ giải ngân gói 145.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội
Giá ngoại tệ ngày 5/1/2025: USD giảm tốc sau chuỗi tăng trưởng mạnh
Giá nông sản ngày 5/1/2024: Cà phê ổn định, hồ tiêu tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 5/1/2025: Biến động tăng trên cả ba miền