Thị trường

Cá tra, ba sa Việt Nam tiếp tục bị Mỹ áp thuế

Trong ít nhất 5 năm tới, cá tra của Việt Nam vẫn tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu vào Mỹ.

Chế biến cá ba sa xuất khẩu

Ngày 14/11, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) vừa ra quyết định cuối cùng về việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra - ba sa nhập khẩu từ Việt Nam sau khi rà soát thuế lần thứ hai đối với mặt hàng này từ tháng 6/2014.

Như vậy, trong ít nhất năm năm tới, cá tra của Việt Nam vẫn tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu vào Mỹ.

Chỉ khi kết quả của đợt xem xét tới (tiến hành mỗi năm năm/lần) kết luận cá tra Việt Nam không bán phá giá vào Mỹ, vụ kiện mới chấm dứt.

Trước đó, chuyên gia nông nghiệp GS Võ Tòng Xuân cho biết, khi áp thuế chống bán phá giá tức là theo giá vốn của mình làm ra, nếu giá vốn thấp quá thì họ phải kê thêm thuế để hàng của mình không đè bẹp hàng của các doanh nghiệp ở nước đó.

“Họ đã tính toán chi phí sản xuất ra một kg cá tra ở Việt Nam so với các nước khác như Indonesia chẳng hạn để thấy giá của Việt Nam quá rẻ”, GS Võ Tòng Xuân nói.

Căn cứ trên giá rẻ đó Mỹ mới tính toán áp thuế để làm sao qua bên Mỹ giá không thấp hơn giá bên đó nhiều để nông dân họ có thể bán được. Theo đó, bản thân doanh nghiệp cũng có thể sẽ phải chịu lỗ.

Nguyên nhân sâu xa của điều này, theo lý giải của GS Võ Tòng Xuân chính là do kiểu cách các doanh nghiệp Việt Nam, thương lái của Việt Nam buôn bán với thương lái Trung Quốc thời gian qua, mua ồ ạt với giá rẻ nhất, không quan tâm tới chất lượng sản phẩm.

Còn theo quan điểm của PGS TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên, Mỹ nâng mức chống bán phá giá, Mỹ cho rằng Việt Nam bán với giá quá rẻ xuất phát từ những vụ kiện của các doanh nghiệp nuôi và chế biến cá da trơn tại Mỹ.

Ở Mỹ có những tập đoàn cho rằng cá của Việt Nam giá rẻ làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của họ, họ kiện và Bộ thương mại Mỹ và Trung tâm thương mại của họ can thiệp. Đây là công cụ bảo hộ trá hình của Mỹ đối với các doanh nghiệp của họ”.

Bài toán đặt ra là nếu doanh nghiệp Việt Nam bán với giá cao hơn lại không cạnh tranh được, ít người mua. Điều này còn do cả công ty nhập khẩu của Mỹ, muốn lãi nhiều lại nhập của Việt Nam với giá rẻ nhưng khi nhập giá rẻ rồi nó cũng bán với giá cạnh tranh hơn nên mới bị kiện.

“Những doanh nghiệp chế biến cá ở Việt Nam và người nuôi cá của Việt Nam muốn giữ được thị phần lại tiếp tục phải giảm giá và tiếp tục thua lỗ, người nông dân nuôi cá tra sẽ là người phải chịu thiệt hại và thua lỗ cuối cùng”, PGS TS Nguyễn Văn Nam nói.

Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo