Thị trường

Cá tra, basa bị áp thuế chống bán phá giá thêm 5 năm: Vượt khó để bán hàng vào Mỹ

“Chúng ta vẫn tự tin xuất khẩu các sản phẩm cá tra, basa sang Mỹ dù phía Mỹ ra quyết định tiếp tục điều tra chống bán phá giá cá tra, basa Việt Nam trong 5 năm nữa…”. Đây là khẳng định của lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ngày 18.11.

Còn gặp khó dài...

Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) vừa ra quyết định cuối cùng về việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam sau khi rà soát thuế lần thứ hai đối với mặt hàng này. Theo đó, trong ít nhất 5 năm nữa, cá tra, cá basa Việt Nam sẽ vẫn bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Con cá tra, basa của Việt Nam đã bị phía Mỹ áp thuế chống bán phá giá lần đầu tiên kể từ năm 2002-2003. Năm 2008, phía Mỹ đã tiến hành rà soát lần 1, lúc đó cá tra, basa Việt Nam đã bị kết luận tiếp tục áp thuế chống bán phá giá 5 năm. Đợt rà soát vừa rồi là đợt thứ hai và cá tra, basa vẫn không thoát được khỏi “vòng kim cô” chống bán phá của Mỹ.
 
Chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh Tiền Giang.      L.H.T 
 
Bà Nguyễn Chi Mai- Trưởng phòng Chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) cho biết, kết luận phía Mỹ đưa ra căn cứ trên mức thuế (biên độ phá giá) trong những đợt rà soát áp thuế trước đó (5 năm trước đó). Mức thuế trong các đợt rà soát lần 6, 7 mà cá tra, basa của ta được áp thuế 0%, nhưng lần rà soát thứ 8, do nước được lấy làm căn cứ để tính giá bị thay thế từ Bangladesh sang Indonesia nên cá tra, basa của ta đã bị áp thuế cao, gây bất lợi cho Việt Nam. Và kết quả vừa rồi là Mỹ đã chọn tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với cá tra, basa Việt Nam thêm 5 năm nữa. Các năm tới, Mỹ sẽ lại tiếp tục rà soát để đưa ra các mức thuế cho cá tra, basa của ta từng năm.
 
Chiều qua, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa cho biết đã lường được kết quả này nên lần này các doanh nghiệp Việt Nam đã không thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi. “Chúng tôi đã đối diện với vụ kiện này hơn 10 năm nên đã quá hiểu các hành động vô lý của phía Mỹ. Chính sách bảo hộ của Mỹ đối với cá tra, basa nói riêng và nông sản xuất khẩu của ta nói chung đang ngày càng cao, nhất là khi Mỹ ban hành thêm Luật Nông trại để tăng bảo hộ nông sản, hạn chế hàng nhập khẩu. Do vậy, việc hy vọng Mỹ dỡ bỏ thuế chống bán phá giá với cá tra, basa của ta là điều không tưởng”- đại diện doanh nghiệp này cho biết. Theo vị này, chi phí thuê luật sư khá tốn kém, khả năng thắng lợi lại thấp nên các doanh nghiệp chấp nhận phải “sống chung với lũ” khi xuất khẩu cá tra, basa sang Mỹ.
 
Nỗ lực giảm thiểu thiệt hại
 
Ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu (nhập khẩu) cá tra đứng thứ 2, chiếm 18,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Việt Nam vẫn duy trì là nước xuất khẩu cá tra hàng đầu vào thị trường Mỹ, chiếm 91,43% tổng khối lượng cá tra và cá da trơn xuất vào thị trường này. Giá trung bình cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay đạt 3,09USD/kg (giá trung bình nhập khẩu cá tra và cá da trơn của Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay đạt 3,23USD/kg), tăng 1,31% so với cùng kỳ năm 2013. Giá philê cá tra đông lạnh Việt Nam các cỡ trên thị trường Mỹ trong năm 2014 đều tăng nhẹ so với năm ngoái.
 
“Vụ kiện này không còn mới với doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã nỗ lực trong từng đợt rà soát hàng năm để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất”- ông Dũng nói. Ví dụ, đợt rà soát lần 6, 7, thuế của ta chỉ còn 0%, lần 8 không tốt, nhưng lần 9 và hiện đang lần 10 đã “đỡ” hơn. Hay Công ty Vĩnh Hoàn- doanh nghiệp xuất cá tra, basa lớn nhất của ta vẫn đang được áp thuế 0%. Với lần xem xét thứ 10 đang diễn ra, Vĩnh Hoàn cũng là doanh nghiệp được đưa ra khỏi danh sách xem xét.
 
Theo bà Chi Mai, các doanh nghiệp cần “tích lũy” kinh nghiệm để đối phó với vụ kiện chống bán phá giá với cá tra, basa. Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp cố gắng chuẩn bị số liệu, phối hợp với luật sư, đưa ra bằng chứng cho mình để chỉ bị áp thuế thấp nhất.
Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo