Thị trường

Cá tra Việt sang Trung Quốc: Mừng lắm, lo nhiều

Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc rất tiềm năng và nhiều cơ hội. Tuy nhiên, việc bán cá tra cho một số doanh nghiệp nước bạn đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro, trong đó có rủi ro thanh toán.

Cơ hội nhiều

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu hàng năm cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng từ 24,2 - 88,7%. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường năm 2016 đạt 304,7 triệu USD, tăng gấp 4,17 lần so với 5 năm trước đó (năm 2012) và tăng gần gấp 2 lần so với năm trước đó (2015).

Mặc dù luôn tăng trưởng mạnh, tuy nhiên theo Vasep, sự gia tăng đột biến xuất khẩu sang thị trường này vừa là cơ hội lớn nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều rủi ro.

Theo Vasep, chỉ trong 2 năm từ 2015 - 2016, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng gần 2 lần. Với một đất nước với số dân 1,4 tỷ người, sức tiêu thụ thủy sản, trong đó có cá tra ngày càng mạnh mẽ thì đây quả là một sự bù đắp tốt và là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang bị gặp khó tại các thị trường xuất khẩu lớn như hiện nay. Khoảng cách địa lý gần, giao thông thuận tiện, chung một múi giờ, trong năm 2016, nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã nhận thấy sức hút tại thị trường này.

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có nhiều cơ hội nhưng cũng lắm rủi ro.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, nhu cầu thu mua cá tra tiêu dùng nội địa tại các nhà hàng, khách sạn, bữa ăn trường học, công ty… của Trung Quốc tăng mạnh. Người Trung Quốc cũng đã chế biến được 600 món ăn khác nhau từ sản phẩm cá tra Việt Nam.

Trong khi đó, trong 10 năm trở lại đây, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc tăng mạnh, trong đó, tôm và cá tra là hai sản phẩm có giá trị nhập khẩu từ Việt Nam cao nhất. Tuy nhiên, những năm gần đây, sức tăng trưởng nhập khẩu cá tra tại thị trường trường này tăng rất nhanh, cá tra đã dần trở thành món ăn ưa thích bên cạnh các mặt hàng hải sản, cá thịt trắng hay cạnh tranh cả với sản phẩm thế mạnh cá rô phi Trung Quốc.

Nhưng rủi ro cũng cao

Vasep cũng cho biết, theo phản ánh của một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc rất tiềm năng và nhiều cơ hội. Có thời điểm, giá xuất khẩu cá tra tại Trung Quốc còn cao hơn so với thị trường EU. Phản ứng về việc tăng giá của khách hàng Trung Quốc tốt và họ sẵn sàng chấp nhận vì thực chất doannh nghiệp nước này có thể lời gấp hàng chục lần so với giá mua tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, cũng có nhiều doanh nghiệp cho rằng, bán cá tra cho một số doanh nghiệp Trung Quốc đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro, trong đó có rủi ro trong thanh toán. Cụ thể, theo một số doanh nghiệp cho biết, thông thường, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị chỉ đặt cọc khoảng 30% tổng tiền lô hàng cá tra, cộng với giá vận chuyển trung bình một lô hàng cá tra tới cửa khẩu khoảng 45 - 47 triệu đồng, nếu container tới cửa khẩu và phía bạn nhận hàng thì doanh nghiệp được còn nếu không thì coi như mất trắng.

 

Theo Vasep, hiện nay, phần lớn sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ở 2 dạng chính là cá tra xẻ bướm và philê. Một số doanh nghiệp cho rằng, với sản phẩm cá tra xẻ bướm, nếu khách hàng Trung Quốc mua thì vui vì giá tốt, lượng hàng lớn nhưng nếu không mua thì khó có thể xuất sang thị trường nào.

Ngoài ra, tiền thanh toán các đơn hàng cá tra xuất sang Trung Quốc khá đa dạng, khách hàng có thể trả bằng đồng USD, Nhân dân tệ hoặc thậm chí là cả Việt Nam đồng. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng yêu cầu trả bằng Nhân dân tệ hoặc Việt Nam đồng. Tất nhiên, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mong muốn khách hàng trả bằng USD nhưng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chỉ trả bằng tiền đồng giống như việc tiêu thụ nội địa.

Vasep cũng cho biết, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua thông qua cả 2 con đường chính ngạch và tiểu ngạch sản phẩm thủy sản, cơ quan thẩm quyền 2 nước cũng đã có những thỏa thuận về việc kiểm soát chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu. 

Theo đó, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) là cơ quan được giao cấp chứng nhận cho các lô hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề thương mại đường biên mậu vẫn còn kẻ hở khiến cho nhiều thương nhân Trung Quốc vẫn mua hàng mà không cần tới giấy chứng thư cho lô hàng qua đường tiểu ngạch.

Một số doanh nghiệp cho rằng, để tránh những bài học đã từng xảy ra giống như mặt hàng chè trong vài năm trước tại thị trường Đài Loan. Hiện nay, một số doanh nghiệp nước ngoài đang thuê nhà máy hoặc gia công sản phẩm cá tra Việt Nam rồi vận chuyển bằng đường bộ sang tiêu thụ tại Trung Quốc qua đường tiểu ngạch không qua kiểm soát. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu đồng thời thiếu công bằng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Vasep đánh giá, sức tiêu thụ khổng lồ tại thị trường Trung Quốc đang mở ra cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam cơ hội và bù đắp cho những thiếu hụt tại các thị trường khác đang gặp khó. Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng đột biến này, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý một số trường hợp rủi ro và đẩy mạnh hay duy trì chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để tránh “vết xe đổ” mà các doanh nghiệp xuất khẩu chè đã gặp phải.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo