Môi trường

Các doanh nghiệp để mất rừng ở Đắc Lắc: Khó quy trách nhiệm bồi thường

Trước thực trạng các doanh nghiệp (DN) thuê đất rừng nhưng để mất rừng với diện tích lớn, Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc vừa đề nghị UBND tỉnh buộc các DN này phải bồi thường. Nhưng thực tế lại không dễ bồi thường, vì các DN chỉ thuê đất chứ không thuê rừng

Triển khai chậm, để mất rừng

 

Từ năm 2010 đến nay, hàng chục DN “đổ bộ” vào Ea Súp - nơi còn nhiều rừng nhất Đắc Lắc - xin thuê đất rừng để trồng caosu, cây ăn quả, chăn nuôi, kinh doanh rừng... Hiệu quả của các dự án thì chưa rõ, chỉ thấy rừng bị chặt phá tan hoang, đất đai bị lấn chiếm tràn lan.

 

Cuối năm 2010, Cty CP Vinamit được UBND tỉnh cho thuê 925,83ha rừng và đất lâm nghiệp tại xã Cư M’lan - huyện Ea Súp, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai dự án, rừng bị phá đến 90%. Ông Phạm Văn Thước - Chủ tịch UBND xã - cho biết: “Diện tích rừng của Vinamit mênh mông, vốn đầu tư dự án hàng trăm tỉ đồng nhưng không thấy họ làm gì, trừ 3 nhân viên “chứng kiến” nạn mất rừng”.

 

Còn ông Lê Văn Trọng - Phó Hạt trưởng Kiểm lâm Ea Súp - thì nói diện tích rừng của Vinamit bị phá quá lớn, kiểm lâm chưa thể đo vẽ nổi. Cũng theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Ea Súp, ngoài Vinamit, tài nguyên rừng cho thuê đang bị tàn phá nặng nề tại dự án của Cty CP caosu Trí Đức (824,27ha), các Cty TNHH Minh Hằng (22,49ha), Vinh Hoa (26,75ha), Đức Tâm (85,5ha), Cty CP dệt - may Việt Nam (72,24ha)...

 

Không phải đợi đến lúc giao cho DN thì rừng mới bị phá, mà sự xuất hiện của các DN ngay từ bước khảo sát đã “châm ngòi” cho làn sóng phá rừng rầm rộ. Trong quá trình Cty CP địa ốc Thái Bình Phát khảo sát lập dự án tại xã Ea Bung, người dân đã chặt phá 278,35ha rừng.

 

Cũng tại Ea Bung, vùng khảo sát của DNTN Phan Hồng bị chặt phá 132,97ha, còn DNTN Phan Thuấn là 26,2ha... Các dự án này hiện giẫm chân tại chỗ, trong khi diện tích rừng bị phá ngày càng lớn.

 

Nhận định của Hạt Kiểm lâm Ea Súp là: Nhìn chung chất lượng rừng không được cải thiện so với trước khi giao, nạn phá rừng ngày càng dữ dội do các nhà đầu tư không có năng lực, có biểu hiện “treo” dự án chờ thời, buông lỏng công tác bảo vệ rừng. Con số 2.038ha/6.445ha rừng trong vùng dự án của các DN trên bị chặt trụi đã nói lên điều đó

 

Thuê đất chứ không thuê rừng

 

Sau một cuộc kiểm tra tại Ea Súp mới đây, liên ngành chức năng tỉnh Đắc Lắc do Chi cục trưởng Kiểm lâm Y Rít Buôn Yă chủ trì đã đề xuất UBND tỉnh buộc các DN thuê rừng phải bồi thường, trồng lại diện tích rừng bị phá. Đề xuất này được coi là động thái “sòng phẳng” của chính quyền đối với các DN, không còn “hòa cả làng” như trước đây, song thực hiện lại không phải dễ dàng.

 

Theo các quyết định của UBND tỉnh và các hợp đồng được ký kết, DN chỉ thuê đất chứ không thuê rừng. Việc cho thuê rừng chỉ được đề cập từ khi có thông tư 07/2011 của liên bộ NNPTNT và TNMT, nhưng đến nay Đắc Lắc vẫn chưa xây dựng được giá rừng làm cơ sở cho thuê.

 

Vì vậy, diện tích rừng không được chuyển mục đích sử dụng tại các dự án, UBND tỉnh chỉ giao cho DN mà không kèm các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Được biết đến thời điểm này, việc cho thuê rừng theo thông tư 07/2011 tại Đắc Lắc mới chỉ bắt đầu... xây dựng đề án. Đây chính là “lỗ hổng” để mất rừng mà không thể quy trách nhiệm bồi thường một cách rõ ràng.

 

Theo Lao Động

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo