Các mức lãi suất chủ chốt sẽ được hạ từ 17/3
Trần lãi suất hạ từ 7% xuống 6%/năm, lãi suất tái cấp vốn hạ từ 7% xuống 6,5%/năm, lãi suất huy động USD giảm từ 1,25% xuống 1%/năm.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dự kiến từ 17/3, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ các mức lãi suất chỉ đạo.
Theo đó, đưa trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ xuống còn 6%/năm so với mức 7%/năm hiện nay, lãi suất tái cấp vốn cũng được hạ xuống mức 6,5%/năm so với mức 7%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất huy động ngoại tệ USD cũng giảm xuống mức 1%/năm.
Động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lần này hoàn toàn không bất ngờ vì trong suốt hơn một tuần qua, các ngân hàng thương mại đã liên tiếp hạ lãi suất huy động và cho vay.
Các động thái lãi suất huy động tiền đồng thực tế được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh ngay từ thời điểm sau tết, với các mức giảm theo như ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu rơi vào các kỳ hạn ngắn 1-2 tháng. Xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất ngày càng trở nên trong các ngày gần đây, với việc lãi suất được các ngân hàng điều chỉnh thêm ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng.
Sau OceanBank, ACB và Techcombank, đến lượt Sacombank và Eximbank mới đây tiếp tục công bố các điều chỉnh trên biểu lãi suất huy động tiền đồng với nhiều thay đổi đáng chú ý.
Ngày 11/3, biểu lãi suất huy động tiếp tục được Sacombank thay đổi. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn một đến ba tháng giảm lần lượt 0,1-0,3% về còn 6,25% và 6,3%. Đây là lần giảm lãi suất thứ 3 của Sacombank trong vòng một tháng qua.
Còn tại Eximbank, sau điều chỉnh hôm 12/3, lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này hiện chỉ còn 8% và được áp dụng cho các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. Trong lúc lãi suất ở hàng loạt các kỳ hạn huy động khác cũng giảm dần từ mức 7,7% ở kỳ hạn 18 tháng xuống chỉ còn 5,9% ở kỳ hạn 1 tháng.
Lãi tiết kiệm tại các ông lớn quốc doanh dù không giảm trong đợt này nhưng cũng đều đang ở mức thấp nhất thị trường. Như tại BIDV, khoản tiền gửi một tháng tại các chi nhánh ở Hà Nội chỉ còn được hưởng lãi suất 5,8% một năm. Ở Vietcombank, lãi suất thậm chí thấp hơn với 5%/năm. Hầu hết các mức huy động này đều thấp hơn rất nhiều so với trần 7% hiện nay.
Tuy nhiên, khi đánh giá các kênh đầu tư hiện nay, không ít đại diện ngân hàng và cả người có tiền gửi vẫn khá tin tưởng vào kênh huy động của ngân hàng dù lãi suất giảm. Và nếu có chuyển biến cũng sẽ có nhiều khách hàng chỉ dịch chuyển từ kỳ hạn gửi ngắn sang kỳ hạn gửi dài.
Động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cũng là điều dễ hiểu vì tính đến 20/2, tín dụng toàn hệ thống giảm 1,66% so với cuối năm 2013, trong đó tín dụng bằng VND giảm gần 2%.
Tại nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, tín dụng dường như giảm mạnh hơn. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương cho biết, đến cuối tháng 2, tín dụng của Vietcombank vẫn còn âm 1% trong khi huy động vốn không tăng trưởng. Còn ở Sacombank, tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng 1%, tốt hơn so với mặt bằng chung của các ngân hàng lớn nhưng cũng không như kỳ vọng.
Các chuyên gia cho rằng, việc hạ lãi suất lần này được xem là cách gần nhất giúp các nhà băng có thể giảm thêm từ 1-2% lãi suất cho vay với các doanh nghiệp. Đây không chỉ là mong muốn của Ngân hàng Nhà nước mà là của hầu hết các doanh nghiệp trong tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn hiện nay.
Theo Vietnam+
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo