Các mức lãi suất cơ bản giảm thêm 1% từ 24/12
Ngày 21/12, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 24/12/2012.
Theo Quyết định số 2646/QĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm thêm 1% đối với các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn từ 10%/năm xuống 9%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 11%/năm xuống 10%/năm.
Đặc biệt, thông tin mà thị trường và các doanh nghiệp mong chờ nhất chính là quyết định điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay đối với nền kinh tế. Theo đó, Thông tư số 32 /2012/TT-NHNN cũng đã quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên là 2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô được cơ quan điều hành ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 8,5%/năm.
Còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên vẫn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Đây được xem là quy định mở nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thu hút vốn trong những tháng cuối năm.
Cùng với quyết định về giảm lãi suất huy động 1 tháng đến dưới 12 tháng, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư số 33/2012/TT-NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Với thông tư này, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm, bổ sung thêm nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 13%/năm. Mức lãi suất cho vay 12%/năm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là phù hợp với mức giảm lãi suất tiền gửi và chủ trương của Chính phủ, định hướng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Như vậy, sau một thời gian chuẩn bị kể từ thời điểm Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải có chủ trương giảm lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có các quyết định về điều chỉnh.
Cùng với các giải pháp điều hành đồng bộ của Chính phủ và các bộ, ngành trong năm 2012, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2012 tăng 0,47% so với tháng 10/2012 và tăng 6,52% so với cuối năm 2011, dự kiến cả năm 2012 khoảng 7%); thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất thị trường liên ngân hàng diễn biến theo xu hướng giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao.
Trước đó, đón đầu xu hướng giảm lãi suất, một số ngân hàng như: Vietinbank, Agribank, ACB, Eximbank, Sacombank... lần lượt điều chỉnh giảm 0,5 - 1% lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng.
Thảo Nguyên (Theo Dân trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển