Pháp luật

Các nguyên lãnh đạo Navibank lĩnh án nặng khi cho Huyền Như vay tiền

Sau 3 ngày nghị án, chiều 19/3, TAND TP.HCM đã tuyên án các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Nam Việt (Navibank).

Theo HĐXX, lời khai của các bị cáo tại tòa cho rằng bị ép cung là không có căn cứ bởi các bị cáo đều tại ngoại, có viết tường trình đúng quy định.

Về quan điểm VKS không đưa các tài liệu như sao kê tài khoản tiền gửi các các nhân viên Navibank, 2 bản án phúc thẩm và sơ thẩm (xét xử Huyền Như và đồng phạm) dẫn đến thiếu tính xác thực, HĐXX nhận định rằng điều này không ảnh hưởng đến bản chất vụ án, tuy nhiên cần rút kinh nghiệm.

Các bị cáo trong vụ án thất thoát 200 tỷ đồng tại Navibank.

HĐXX lập luận các bị cáo đã bỏ qua quy định để lập hợp đồng giả với mục đích hưởng lãi suất cao, tuy nhiên sau đó bị Huyền Như lừa, trong khi đó Navibank hưởng lời 24,3 tỷ đồng tiền lãi ngoài.

Do vậy, HĐXX khẳng định có đủ căn cứ xác định các bị cáo phạm tội Cố ý làm trái, đồng thời bác bỏ quan điểm bào chữa của bị cáo và các luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội.

HĐXX quyết định tuyên mức án như sau:

Bị cáo Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc) 13 năm tù; bị cáo Đoàn Đăng Luật (nguyên Trưởng phòng kinh doanh tiền tệ) 11 năm tù; bị cáo Nguyễn Giang Nam (nguyên Phó Tổng giám đốc) 12 năm tù; bị cáo Huỳnh Vĩnh Phát (nguyên Trưởng phòng Kế toán) 11 năm tù; bị cáo Trần Thanh Bình (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp) 10 năm tù.

Các bị cáo Cao Kim Sơn Cương (nguyên Phó Tổng giám đốc) 12 năm tù; bị cáo Nguyễn Hùng Sơn (nguyên Phó Tổng giám đốc) 12 năm tù; bị cáo Đinh Thị Đoan Trang (nguyên Trưởng phòng dịch vụ khách hàng) 7 năm tù.

 

Bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên Trưởng phòng quản lý rủi ro) 7 năm tù; bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng pháp chế) 7 năm tù.

Các bị cáo cùng chịu tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Hội đồng xét xử vụ án Navibank.

Ngân hàng Navibank cũng phải nộp lại 24,3 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Theo điều tra, do cần tiền trả nợ cho các dự án đầu tư thua lỗ, trong thời gian từ 2010 đến 2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng danh nghĩa quyền Trưởng phòng giao dịch để huy động vốn cho Vietinbank.

Để thuyết phục khách hàng, Như gặp các đối tượng môi giới và thỏa thuận sẽ trả lãi suất ưu đãi, phí môi giới. Sau khi khách hàng chuyển tiền, Như làm giả chứng từ, chữ ký chủ tài khoản để chiếm đoạt. Bằng cách thức này, Như đã chiếm gần 4.000 tỷ đồng của các cá nhân, tổ chức đi trả nợ và tiêu dùng cá nhân.

 

Trong số khách hàng có Navibank. Lãnh đạo của ngân hàng này bị quy kết đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền theo đề nghị của Như. Khi Như mất khả năng trả nợ, ngân hàng này bị thiệt hại 200 tỷ đồng.

Nên đọc
Theo Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo