Xã hội

Các nhà khoa học đừng dọa dân về Đàn Xã Tắc

Đáp lại ý kiến làm cầu vượt sẽ đè lên Đàn Xã Tắc, là giết Đàn nhanh chóng nhất , Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phát biểu: Việc xây dựng cầu vượt là cần thiết, các nhà khoa học đừng dọa dân, gây hoang mang dư luận .

(VNE) Sáng 8/5, tại buổi tọa đàm về bảo tồn Đàn Xã Tắc, TS sử học Nguyễn Hồng Kiên, người phụ trách việc khai quật di tích này vào năm 2006, cho biết việc khai quật Đàn Xã Tắc không phải tình cờ mà các nhà khảo cổ đã xác định vị trí đàn tế này tại khu vực Xã Đàn từ nhiều năm trước. Các tài liệu cổ cho thấy đây là nơi lưu dấu Đàn Xã Tắc của kinh thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.

Qua khai quật khu vực 800 m2 vào năm 2006, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều di vật, như: sân gạch, đồ gốm, vòng tay bằng đá, rìu đá, bình sành, gốm chứa nhiều hạt thóc, gạo. Một số được xác định từ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (cách đây 3.000-4.000 năm).

Sau khi đưa ra một loạt cứ liệu, TS Nguyễn Hồng Kiên kết luận, thiết kế cầu vượt đã chồng lấn lên khu khảo cổ 800 m2, trụ cầu cắm vào khu di tích cần bảo vệ, chứ không phải là nằm ngoài. Vì thế việc xây cầu vượt sẽ phá hỏng di tích.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Bùi Thiết cho rằng, vị trí của Đàn Xã Tắc không phải bàn cãi nữa, nếu xây cầu qua di tích này là vi phạm Luật di sản. Theo ông, Hà Nội cần giải phóng mặt bằng tuyến Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng để không xâm phạm không gian của Đàn Xã Tắc.

"Bảo vệ không chỉ dưới đất mà phải cả trên trời. Chúng ta phải bảo tồn Đàn Xã Tắc, về sau con cháu sẽ làm đàn to hơn nên cần giữ không gian nhất định. Nếu làm cầu vượt thì phải đè lên Đàn Xã Tắc, là giết đàn nhanh chóng nhất", ông Bùi Thiết nói.

Không đồng tình với những lập luận trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng qua hàng trăm năm, Đàn Xã Tắc đã bị chính người dân phá hủy. Việc bảo tồn cần thiết với những gì đã xác định là di tích, còn những gì chưa biết thì các nhà khoa học phải tìm hiểu thêm để đánh giá đúng giá trị.

"Việc xây dựng cầu vượt là cần thiết để phục vụ giao thông. Các nhà khoa học đừng dọa dân, gây hoang mang dư luận như mất Đàn Xã Tắc là mất nước, hay đi lên cầu vượt là đi trên đầu tổ tiên", ông Liên kiến nghị.

Giữ quan điểm ôn hòa, ông Nguyễn Văn Hảo, nguyên cán bộ Viện khảo cổ, cho rằng bảo tồn và phát triển luôn mâu thuẫn nên phải cân nhắc giải quyết hài hòa. Có di tích phải khai quật và bảo tồn nguyên vẹn, có di tích phải bảo tồn bằng hiện vật.

"Đàn Xã Tắc là khu vực rất rộng, trung tâm đàn vẫn là ẩn tích chưa tìm ra được hoặc nếu tìm ra thì cũng bị hủy hoại. Vậy chúng ta có nên khoanh một vùng rộng lớn không cho xây dựng công trình mới phục vụ người dân?", ông Hảo đặt câu hỏi.

Chuyên gia này kiến nghị chính quyền nên cho đào một số hố thăm dò (mỗi hố 2 m2) trải dài theo thân cầu vượt để xác định trụ cầu có vào di tích hay không và bảo tồn địa danh như đã làm, đặt bia đá tại nơi thích hợp, tạo điều kiện để mọi người dân đến tìm hiểu.

 

 

Thảo Nguyên

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo