Các nhà máy nhiên liệu sinh học ngừng hoạt động
Cả nước có 3 nhà máy đã đưa vào vận hành thì đến nay 2 nơi đã tạm ngừng. Bio-Ethanol Dung Quất mới đưa vào chạy thử giờ chỉ hoạt động cầm chừng.
(VNExpress) Theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, đến tháng 12/2014, xăng sinh học được đưa vào sử dụng tại 7 tỉnh,thành phố và đến tháng 12/2015 tiêu thụ đại trà trên toàn quốc. Tuy nhiên đến nay, các dự án nhiên liệu sinh học đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 3 nhà máy ethanol nhiên liệu sinh học đưa vào hoạt động tuy nhiên nhà máy Đại Tân của Công ty CP Đồng Xanh (Quảng Nam) đã tạm dừng hoạt động từ tháng 6/2012. Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) đang chạy thử cầm chừng, còn Ethanol Bình Phước tạm ngừng hoạt động.
Dự án sản xuất Ethanol Bình Phước có ba cổ đông góp vốn, trong đó PVN là cổ đông nắmgiữ 29%, phần còn lại do Itochu Nhật Bản nắm 53% và Licogi nắm 18%. Về cơ bản, dự án hiện đã hoàn thành và cho ra sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được do khi xuất khẩu lỗ, còn tiêu thụ trong nước cũng bế tắc khi chưa có chủ trương buộc người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học. Cổ đông Itochu Nhật Bản đang tìm cách rút vốn khỏi dự án.
Trong khi đó, nhà thầu và các nhà đầu tư chưa thống nhất về việc điều chỉnh tăng chi phí xây dựng nên dự án sản xuất Ethanol Phú Thọ cũng tạm dừng triển khai.
Trước tình hình khó khăn này, Petrovietnam quyết định giao Công ty TNHH lọc -hóa dầu Bình Sơn điều hành Bio- Ethanol Dung Quất để tiết kiệm chi phí quản lý cũng như phối trộn nhiên liệu sinh học vào sản phẩm nhà máy lọc dầu Dung Quất để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH lọc- hóa dầu Bình Sơn cho biết thêm Công ty đang hoàn tất các thủ tục sáp nhập nhà máy Bio-Ethanol về nhà máy lọc dầu Dung Quất với vai trò như là một phân xưởng công nghệ. Hiện tại nhà máy nhiên liệu sinh học này vẫn đang chạy thử với công suất 65 đến 100%.
"Sau khi sáp nhập, trước mắt, chúng tôi sẽ tiến hành pha trộn Ethanol với tỷ lệ 3% để tạo xăng sinh học E3 đưa ra thị trường tiêu thụ ở Quảng Ngãi vào cuối năm nay. Đến đầu năm 2014, tiến tới pha trộn Ethanol tỷ lệ 5% tạo xăng sinh học E5 đưa vào tiêu thụ thí điểm ở thị trường miền Trung", ông Giang nói.
Theo tính toán của lãnh đạo Petrovietnam, hiện giá thành sản xuất mỗi lít Ethanol là 15.000 đồng, trong khi giá xăng dầu là 24.000 -25.000 đồng/lít. Do vậy việc sử dụng, phối trộn nhiên liệu sẽ giúp giảm bớt lượng xăng dầu nhập khẩu. Khi các dự án đi vào sản xuất sẽ tạo đầu ra ổn định cho nông dân trồng sắn tại các tỉnh, cũng như giúp bảo vệ môi trường tốt hơn. Chính phủ áp dụng chính sách bắt buộc tiêu thụ xăng sinh học đại trà trong phạm vi cả nước thì các nhà máy nhiên liệu sinh học mới hoạt động hiệu quả.
Xăng sinh học được hiểu đơn giản là gồm 5% ethanol và 95% xăng A92 không chì để tạo thành xăng sinh học (xăng E 5). Nhiên liệu hỗn hợp này thường được dùng cho những động cơ đốt trong như xe máy, ô tô đang sử dụng phổ biến tại Việt Nam hiện nay.
Trí Tín
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Cột tin quảng cáo