Các nước Trung Đông có thể "noi gương" Iran trừng phạt Mỹ
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đang có chuyến thăm chính thức Nga ngày 27-28/3. Hôm 28/3, ông dự kiến gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về mối quan hệ song phương và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng, đầu tư và vận tải. Tuy nhiên, các vấn đề an ninh dự kiến sẽ nổi bật trong các cuộc đàm phán.
Theo chuyên gia Hassan Hanizadeh - cựu tổng biên tập Mehrnews, cơ quan tin tức hàng đầu của Iran, "cuộc trao đổi của Tổng thống Iran và nhà lãnh đạo Nga về các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu chống Iran và Nga có thể trở thành cơ sở tốt để hình thành một khối chính trị, đối đầu những biện pháp hạn chế của Tổng thống Donald Trump và một số nước châu Âu."
Ngày 26/3, Iran đã tuyên bố trừng phạt 15 công ty của Mỹ. Danh sách được đăng trên trang điện tử của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Hồi giáo Iran bao gồm các pháp nhân và cá nhân. Đặc biệt, Bộ Ngoại giao Iran cho biết, đây là những công ty liên quan "đến tội ác của tổ chức phục quốc Do Thái" và "ủng hộ khủng bố, tham gia áp bức các dân tộc trong khu vực."
"Những biện pháp hạn chế của Iran đối với Mỹ thực sự là một tiền lệ, lần đầu tiên trong lịch sử Tehran đã phản ứng gay gắt đến vậy", ông Hanizadeh nói. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng Iran có mọi lý do để áp đặt trừng phạt Mỹ.
"Sau lệnh trừng phạt mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định chống lại Iran, lần đầu tiên trong lịch sử Iran đã thực hiện các biện pháp đề phòng: áp đặt trừng phạt với 15 công ty Mỹ và các cá nhân có liên quan. Những công ty này đã hỗ trợ chính sách tuyên truyền của Israel áp bức người Palestine, bị vạch trần có hành động tiếp tay những kẻ khủng bố ở Iraq, Syria và Yemen. Thực tế, trong tay Iran nắm rất nhiều "át chủ bài" để đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ", ông Hassan Hanizadeh nhận định.
Tuyên bố của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có nói về việc cấm bất kỳ giao dịch với các công ty trong danh sách, thu giữ tài sản trên lãnh thổ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, từ chối cấp thị thực nhập cảnh vào Iran cho nhân viên các công ty này hoặc cá nhân có liên quan.
Ông Hassan Hanizadeh cũng không loại trừ khả năng các nước châu Á khác sẽ áp lệnh trừng phạt với các công ty Mỹ.
"Các biện pháp được Iran thực hiện là bước làm thực tiễn chống lại những đe dọa và cấm vận của Mỹ. Có thể chờ đợi trong tương lai việc danh sách trừng phạt các công ty Mỹ cũng như công ty liên quan đến Israel sẽ được mở rộng. Bằng những biện pháp này, Iran có thể phá hoại nền kinh tế mong manh của Mỹ. Việc đưa vào danh sách các công ty tiếp tay cho Israel trong chính sách áp bức nhân dân Palestine cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Ngay cả các nước khác trong khu vực cũng có thể quyết định làm như Iran", ông Hassan Hanizadeh nói.
Iran đã tuyên bố trừng phạt 15 công ty của Mỹ vào ngày 26/3. Những biện pháp này là phản ứng đáp trả lệnh trừng phạt mới của Washington chống Tehran ra ngày 24/3. Quyết định của Washington đã nhằm vào 30 tổ chức, cá nhân từ 10 quốc gia với lý do vi phạm những qui định về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Syria, Iran và Triều Tiên. Trong số này, có 11 công ty Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và UAE bị trừng phạt do "chuyển giao tài liệu cho chương trình tên lửa đạn đạo của Iran".
End of content
Không có tin nào tiếp theo