Xã hội

Các quy định cấm bán bia: Chệch choạc!

Buộc phải điều chỉnh các quy định liên quan đến việc cấm bán bia để khả thi hơn trên thực tiễn.

Liên quan đến việc dự thảo nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia đưa ra hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật trong đó có việc bán bia trên vỉa hè, bán bia cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng rượu bia…, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng cần phải xem xét lại cho thấu đáo vì sức ảnh hưởng của nó rất lớn.

Có quy định là “câu chuyện khôi hài”

Trên quan điểm cá nhân, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng: Với nội dung dự thảo hiện tại, một số nội dung liên quan đến vấn đề vi phạm và xử lý vi phạm cần xem xét thấu đáo bởi phạm vi ảnh hưởng của nó rất lớn. Trong đó bao gồm cả quy định các hành vi vi phạm kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. “Cần cân nhắc hành vi ra sao để bảo đảm tính hiệu quả khi ban hành áp dụng thực tế. Bởi ba hành vi này có mức độ khác nhau chứ không thể chỉ mô tả chung chung như dự thảo. Vì vậy ban soạn thảo cần phân rõ các mức độ phù hợp với hành vi xử lý kỷ luật, hành chính hay hình sự” - ông Sơn lưu ý.

Liên quan đến các nội dung mô tả các hành vi vi phạm nêu trong Điều 16 của dự thảo, theo ông Sơn là chưa đạt yêu cầu. Cụ thể là cấm bán bia trong trường học, bệnh viện, công sở; đây là các trường hợp phải cân nhắc kỹ điều kiện, thời gian khi áp dụng. “Như trường hợp cấm bán bia cho người say rượu, bà mẹ cho con bú, người lạm dụng bia rượu,… là câu chuyện khôi hài.

Bởi căn cứ vào đâu để áp dụng, làm sao người bán biết được ai say hay không say rượu, ai đang cho con bú để bán. Đây là các quy định không phù hợp về định lượng để xác định hành vi xử phạt người bán, gây ra tranh cãi khi xử lý”. Ông Sơn nhận định và phân tích tiếp: “Hay như cấm bán bia ở vỉa hè, lâu nay khái niệm vỉa hè vẫn chưa có sự thống nhất. Ở Việt Nam, vỉa hè có rất nhiều loại. Do vậy khi đưa ra quy định mà chưa có căn cứ xử lý thì hiệu quả thấp và tạo ra sự nhờn luật…”. Trên những cơ sở này, theo ông Sơn, ban soạn thảo cần chọn lọc và điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện dự thảo.

“Văn bản đang nằm trong quá trình dự thảo nên cần có sự góp ý và cân nhắc chỉnh sửa thêm mới có thể đảm bảo trình lên cấp trên. Trước khi trình thì Bộ Tư pháp sẽ thẩm định, khi đó Bộ sẽ có ý kiến chính thức” - ông Sơn cho hay.

Quy định cấm bán bia, rượu rất khó khả thi. (Ảnh chụp chiều 4-9 trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Ảnh: HTD

Trùng lắp quy định cũ và vô lý

Cũng liên quan tới các vấn đề trên, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hiện chưa có quy định hay quy chuẩn cụ thể để nhận biết, xác định phụ nữ có thai hoặc đang trong giai đoạn cho con bú, người có biểu hiện say xỉn. “Vấn đề ở đây là ý thức tự giác từ người bán và người mua. Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước cũng rất khó giám sát và áp dụng các chế tài đi kèm đối với việc này” - luật sư Hải cho hay.

Theo vị luật sư này, việc dự thảo đề xuất cấm bán rượu bia cho phụ nữ có thai và trong thời kỳ cho con bú vì mục đích bảo vệ sức khỏe của những đối tượng này nhưng nếu họ không mua rượu bia cho họ mà mua cho người thân thì cấm là vô lý.

Với quy định cấm kinh doanh bia trên vỉa hè, theo luật sư Hải có phần trùng lắp với Luật Giao thông đường bộ 2008 và các quyết định của UBND địa phương. Cụ thể, luật này nêu rõ lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông và cấm sử dụng lòng, lề đường, hè phố trái phép. “Như vậy, tất cả hành vi sử dụng lòng đường, hè phố không đúng mục đích giao thông đều bị cấm. Nói cách khác, việc kinh doanh tất cả mặt hàng, kể cả rượu bia trên lòng đường, hè phố đều bị cấm từ khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực” - luật sư Hải phân tích.

Theo đó, tại TP.HCM, liên tục mỗi năm qua, UBND TP đều ban hành danh mục các tuyến đường được sử dụng tạm một phần vỉa hè để kinh doanh, danh mục các tuyến đường cấm. Gần đây nhất là Quyết định số 699/2013. Điều này cho thấy TP.HCM quyết tâm dọn dẹp vỉa hè, lòng đường cho thông thoáng nhưng vẫn chưa thực hiện được. “Hiện việc bán bia vỉa hè ở các nước như Pháp, Ý, Đức đang áp dụng. Nhưng vấn đề chính là việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường sạch sẽ, gọn gàng. Do đó việc đưa ra chính sách bất hợp lý, chưa nghiên cứu kỹ tính khả thi dễ làm mất lòng tin của người dân, làm giảm hiệu quả của chính sách khi được ban hành” - luật sư Hải nhìn nhận.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam, cũng cho rằng quy định cấm bán bia ở vỉa hè rất khó khả thi vì không phù hợp với điều kiện thực tế. “Nếu chính sách đưa ra chưa chuẩn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất cũng như người tiêu dùng. Vì vậy chính sách này cần phải được nghiên cứu kỹ, cân nhắc, đánh giá điều tra xã hội phù hợp với khả năng thì mới áp dụng vào cuộc sống được” - ông Việt nói.

 Các bộ sẽ ngồi lại với nhau
Theo một lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), tại Quyết định số 244/2014 về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020, Thủ tướng giao Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng Nghị định về quản lý sản xuất kinh doanh bia và đồ uống có cồn khác trình Chính phủ ban hành vào năm 2014. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề phức tạp hiện nay khi khái niệm đồ uống có cồn vẫn chưa có sự thống nhất. Vì thế nếu tách bia và đồ uống có cồn thành hai nghị định khác nhau sẽ tạo ra sự chồng chéo khi áp dụng. Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định về quản lý, sản xuất kinh doanh rượu. Vì vậy Bộ Công Thương sẽ thảo luận thêm với các bộ liên quan như Y tế, KH&CN, Tư pháp để xây dựng nghị định hợp lý.

 Đừng quy định kiểu kêu gọi chung chung

Việc đề xuất các quy định mà không kèm giải pháp thực hiện cụ thể thì chẳng khác nào gọi là “kêu gọi, vận động” - như kiểu “hút thuốc có hại cho sức khỏe”. Theo tôi, các đề xuất này nếu được chấp thuận thì cũng sẽ không đạt được mục đích vì nó thiếu cả cơ sở lý luận (trình độ phát triển xã hội…) và cơ sở thực tiễn (đặc điểm hoạt động kinh tế đô thị…). Nếu nó không khả thi thì cũng không đến nỗi làm xáo trộn nhiều đến đời sống và hoạt động kinh doanh ở vỉa hè nhưng nó có thể làm mất niềm tin của người dân đối với chính cơ quan đã đưa ra quy định này.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

Theo PL TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo