Các tập đoàn công nghệ kêu gọi Mỹ giới hạn giám sát
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn một bức thư đăng tải trên tờ Thời báo New York số ra ngày 9/12 nêu rõ chiến dịch này do hai hãng Google và Microsoft khởi xướng với sự tham gia của sáu hãng khác gồm Apple, Yahoo, Facebook, Twitter, AOL và LinkedIn. Theo đó, các tập đoàn công nghệ này đưa ra kế hoạch khoanh vùng các hoạt động thu thập tin tức trên mạng như hạn chế thẩm quyền của chính phủ trong việc thu thập thông tin người sử dụng dịch vụ; thiết lập một hệ thống pháp lý về giám sát và trách nhiệm giải trình đối với thẩm quyền này.
Bên cạnh đó, 8 tập đoàn này cũng đề xuất cho phép các công ty công bố số lượng và tính chất của các yêu cầu về thu thập dữ liệu, đảm bảo dữ liệu trực tuyến của người sử dụng có thể được lưu trữ ở các quốc gia khác nhau và thiết lập một khuôn khổ để quản lý các yêu cầu dữ liệu giữa các nước.
Theo các hãng công nghệ này, mặc dù các chính phủ cần phải có hành động nhằm đảm bảo an toàn và an ninh cho các công dân của mình, song các khía cạnh thực tiễn và pháp lý của vấn đề này cần phải được điều chỉnh cho phù hợp và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, quyền riêng tư và tự do ngôn luận.
Tám công ty này khẳng định Chính phủ Mỹ cần phải đi đầu trong các nỗ lực của thế giới nhằm giới hạn hoạt động giám sát và đây là thời điểm thích hợp để các nước giải quyết thực tiễn và vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động giám sát và tiếp cận thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ mạng.
Chiến dịch này là một nỗ lực lớn nhất từ trước tới nay của các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ - một nhóm lợi ích đầy thế lực - nhằm tạo một tiếng nói chung gây áp lực với chính quyền và Quốc hội Mỹ liên quan đến chương trình do thám bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA). Theo giới chuyên gia, các chương trình giám sát rộng lớn của NSA tồn tại vì có sự hợp tác với các công ty công nghệ và viễn thông, do đó các công ty công nghệ cao có đủ lý do để yêu cầu những cải cách lớn.
Trong khi đó, cùng ngày, Thượng nghị sỹ Edward Markey công bố các tài liệu cho biết năm ngoái, các hãng viễn thông lớn của Mỹ đã cung cấp khoảng 1 triệu dữ liệu cho cơ quan lập pháp liên quan tới khách hàng sử dụng dịch vụ.
Theo các tài liệu này, các công ty AT&T, T-Mobile đã đáp ứng các yêu cầu của giới chức trong hơn 500.000 trường hợp khẩn cấp, trong khi đó hãng viễn thông hàng đầu Verizon cung cấp hơn 270.000 dữ liệu kiểu này.
Thông tin này một lần nữa gây quan ngại cho người sử dụng các dịch vụ viễn thông khi mà quyền riêng tư và các thông tin cá nhân nhạy cảm nhất của họ có thể dễ dàng bị xâm phạm. Theo nghị sỹ này, các công ty này đều tính phí đối với tất cả yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan chức năng, cụ thể AT&T được trả 10 triệu USD trong năm 2012, trong khi T-Mobile nhận được 11 triệu USD và Verizon nhận được 5 triệu USD.
Trước phản ứng gay gắt của dư luận trong và ngoài nước về các hoạt động do thám, chính quyền của Tổng thống Obama đã yêu cầu đánh giá toàn diện các chương trình do thám bí mật của NSA. Dự kiến, kết quả sẽ sớm được công bố để từ đó siết chặt và hạn chế các hoạt động giám sát này trong thời gian tới./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo