Các tập đoàn phải khai cả thu nhập ngoài lương của lãnh đạo
Mới công bố phần “cứng” đã thấy cao
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, mức lương của lãnh đạo được thực hiện theo Chỉ thị 11/2014 của Bộ Công Thương (về công khai, minh bạch sản xuất, kinh doanh).
Tại Petrolimex, tiền lương hằng tháng lãnh đạo được nhận là 36 triệu đồng. Đến cuối năm, bộ phận tài chính sẽ dựa vào các chỉ tiêu đạt được, tình hình kinh doanh và mức độ hoàn thành nhiệm vụ để đưa ra mức thưởng tương đương theo lợi nhuận.
Qua theo dõi, trong năm 2013, các tập đoàn lớn (PVN, Petrolimex, EVN, Vinacomin, Vinatex…) đều công bố hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi.
“Theo quy định, nếu hai năm liên tục kinh doanh thua lỗ, lãnh đạo các tập đoàn phải từ nhiệm. Đây là lý do khiến bức tranh kinh tế của các tập đoàn sáng sủa hơn những năm trước. Vì ai cũng sợ mất chức nên bằng mọi cách phải kinh doanh có lãi. Khi có lãi mới được hưởng lương cao. Do đó, việc lãnh đạo các tập đoàn hưởng lương cao là điều dễ hiểu. Vấn đề là mức lương trung bình toàn tập đoàn có cao không, hay đã chia hết cho các lãnh đạo rồi”, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, Bộ Công Thương mới chỉ công bố phần “cứng” thu nhập hằng tháng của lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty. So với mức lương bình quân hiện nay, thu nhập như vậy là cao, vì các doanh nghiệp này có nhiều lợi thế về tài nguyên, nhân lực, tài chính…
Theo ông Long, phần thu nhập này cần phải được so sánh với thu nhập bình quân của các đối tượng khác trong cùng tập đoàn. Ví dụ như lương bình quân của ngành điện khoảng 5-7 triệu đồng; như vậy mức lương lãnh đạo EVN như công bố đã cao hơn 10 lần. Đó là chưa kể đến các nguồn thu nhập khác ngoài lương.
“Thực ra đây chỉ là phần nổi. Điều quan trọng phải thấy được phần thu nhập chìm của các lãnh đạo. Cần có cơ quan chức năng như thuế, kiểm toán vào để kiểm tra”, ông Long nói.
Đồng quan điểm, một chuyên gia lâu năm về lương (xin giấu tên) cho biết, trước năm 2012, kinh doanh của ngành điện liên tục thua lỗ. Hết năm 2012, ngành điện có lãi nhờ được tăng giá điện. Vì thế, mức lương của chủ tịch EVN trong năm 2013 vừa được Bộ Công Thương công bố ở mức 61,32 triệu đồng/tháng là cao.
Lãnh đạo EVN còn có nhiều khoản thu nhập khác ngoài lương. Theo vị chuyên gia này, cần phải có cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, làm rõ mức thu nhập thực sự.
Lợi nhuận thấp, lương vẫn cao
Theo báo cáo tài chính năm 2013 của Tổng Cty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), doanh thu cả năm của đơn vị này là hơn 4.192 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp mất hơn 66,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 48,4 tỷ đồng.
Theo báo cáo phân tích của Cty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), khả năng sinh lợi của Vocarimex ở mức thấp. “Do việc kinh doanh dầu xá đóng vai trò chủ lực trong hoạt động của Vocarimex, bản chất của hoạt động này chủ yếu thương mại và phần gia công sản phẩm chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nên chi phí giá vốn khá cao và chiếm gần như toàn bộ doanh thu đạt được.
Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của Vocarimex luôn ở mức thấp, khoảng 2-3%/năm (giai đoạn 2010 – 2013)”, báo cáo của VCBS.
Trong khi đó, Báo cáo hoạt động kinh doanh hợp nhất của EVN cho thấy, năm 2013 tập đoàn này có tổng doanh thu hơn 177.850 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp hết 6.980 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 9.370 tỷ đồng.
Với Petrolimex, lợi nhuận sau thuế khoảng 1.578 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, lãnh đạo Vocarimex có lương cao hơn hẳn các tập đoàn, tổng công ty khác. Trong khi đó, nếu so Vocarimex với các tập đoàn khác như PVN, EVN… thì nhỏ hơn nhiều, cả về doanh thu, lợi nhuận, số lượng thành viên…
“Vocarimex nhỏ nhưng lương vẫn cao, và dẫn đầu danh sách. Theo tôi, cần xem xét lại và có điều chỉnh cho hợp lý hơn. Nhà nước nên có quy định xác định tỷ lệ doanh số, lợi nhuận để tính lương, nếu không sẽ có sự bất bình đẳng giữa các đơn vị”, ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, việc Bộ Công Thương công khai các mức thu nhập của các tập đoàn kinh tế nhà nước là điều đáng mừng. Theo đó, đây là những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế đất nước.
“Tôi cho rằng, nếu cộng gộp lại, chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều so với mức 36 triệu đồng. Do đó, công bố lương chỉ là phần nổi. Cần tiếp tục công khai cả thu nhập ngoài lương”, ông Doanh kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Ủy ban Về các Vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, lương của lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước phải đồng hành với lợi nhuận.
Theo bà Khá, cần quy định rõ tỷ lệ lợi nhuận để tính lương cho từng loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn, có cổ phần chi phối, góp vốn…), lợi nhuận vượt bao nhiêu phần trăm kế hoạch sẽ được cộng thêm phần trăm vào lương, không để lợi nhuận thấp nhưng thu nhập lãnh đạo vẫn cao.
Bà Khá cũng đề nghị Bộ Tài chính, Công Thương… đứng ra kiểm tra lại lợi nhuận và mức lương lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có hợp lý hay không; sau đó công bố rõ cách tính và mức thu nhập.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết