Cacao Việt: Xa vời giấc mộng toàn cầu
Giá cacao không ổn định, người trồng chặt bỏ cây cacao cho dù đã trồng 4-5 năm tuổi đang cho thu hoạch đang khiến cho giấc mộng toàn cầu của cacao VN trở nên xa vời…
Bến Tre và Đắk Lắk là hai “thủ phủ” trồng cây cacao lớn nhất nước đang phải đối mặt với tình trạng người trồng chặt bỏ với diện tích đến mức báo động - hơn 50%. Cụ thể, tại Bến Tre, trước đây có gần 10.000 ha cacao thì này giảm còn 5.000 ha, còn tại Đắk Lắk trước đây diện tích loại cây trồng này lên đến 6.000 ha thì nay giảm mạnh còn khoảng 2.000 ha.
Khó cạnh tranh với cây trồng khác
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bến Tre, có thời điểm giá cacao xuống thấp chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg trái tươi. Trong khi các loại cây trồng khác như bưởi da xanh, chôm chôm, chanh lại có giá cao nên nhiều vườn cacao bị chặt bỏ để trồng cây khác có giá trị hơn.
Tương tự, tại Đắk Lắk năm 2003-2005 có dự án quy hoạch phát triển cây cacao, định hướng đến năm 2020 là 10.000 ha. Tuy nhiên, loại cây này cũng chỉ ngấp nghé 6.000 ha, sau đó giảm mạnh chỉ còn 2.000 ha. Dù hiện nay hiện tượng đốn bỏ cây cacao đã chững lại nhưng vẫn còn rải rác. Mới đây, một DN trên địa bàn còn gửi đơn kiến nghị xin đốn bỏ 30 ha cacao để chuyển sang trồng cà phê nhưng Sở không đồng ý. Theo ông Huỳnh Ngọc Thích - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cây cacao rất khó cạnh tranh với cây cà phê, tiêu trên địa bàn.
Cần nhiều hơn các dự án PPP cho cacao
Được biết, Chính phủ Hà Lan và các nhà tài trợ nước này đã ký kết với Bộ NN-PTNT “Dự án hợp tác công tư tăng cường phát triển Cacao bền vững tại VN” trị giá gần 1,4 triệu EURO triển khai ở tỉnh Đăk Lăk rồi nhân rộng ra các tỉnh khác từ năm 2012- 2014, trong đó vốn ODA là trên 1,3 triệu EURO, vốn đối ứng của VN là hơn 24.000 EURO. Đây được coi là dự án tài trợ lớn, tạo cú hích cho ngành Cacao VN phát triển, bởi ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan còn có sự tham gia của các DN tư nhân khác của nước ngoài như Rabobank, Mars, Cargill, IDH.
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện dự án, nhiều chuyên gia cho rằng, việc hỗ trợ chỉ vì mục tiêu “giảm nghèo” chưa thể phát huy hiệu quả cho việc phát triển cây cacao. Minh chứng là với mỗi hộ được hỗ trợ trồng từ 100-150 gốc - mỗi ngày họ hái chỉ được từ 2-10 trái, giá bán 1 kg trái tươi vào thời điểm cuối năm 2012, đầu năm 2013 chỉ khoảng 2.000 đồng/kg (13 kg tươi mới được 1 kg hạt khô sau khi lên men với giá bán chưa tới 40.000 đồng/kg). Một cây cacao trồng đến năm thứ ba thì cho thu hoạch khoảng 600 g hạt/cây/năm và đến năm thứ 6 sẽ tăng lên 2,5 kg hạt. Như vậy, một cây cacao cho 600 g hạt nhân, 100 cây sẽ cho 60 kg hạt. Nếu tính giá 40.000 đồng/kg thì mỗi hộ thu được 2,4 triệu đồng/năm – với số tiền ấy nông dân không thể nào đầu tư vào loại cây trồng này.
Theo các chuyên gia, để người dân tiếp tục trồng cây cacao cần phải đánh giá cũng như quy hoạch lại việc trồng cây cacao đồng thời với việc có một chính sách đầu tư bài bản cho loại cây này, một hộ cần phải trồng từ 500 cây trở lên mới đạt được hiệu quả...
Mỗi năm, VN đóng góp cho thị trường thế giới khoảng 4000 tấn hạt ca cao lên men. Mặc dù sản lượng chỉ chiếm 0,4% trên thế giới nhưng tiềm năng mà ngành hàng này mang lại là rất lớn.
Theo dự báo của Tập đoàn thực phẩm Mars Icoporated (Mỹ), nhu cầu tiêu thụ ca cao thế giới đang tăng cao và có thể thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung thế giới đang giảm mạnh. Và đây chính là cơ hội đối với người trồng ca cao tại VN khi hiện tại, ca cao VN đang được nhiều Cty lớn trên thế giới nhắm tới như: Cargill, Mars, Puratos Grand Place… Đồng thời, chất lượng cacao được đánh giá là 1 trong những quốc gia đứng đầu khi vực Châu Á – Thái Bình Dương (Năm 2013 giải thưởng ca cao tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương được trao cho Puratos Grand-Place VN). Tuy nhiên, để khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường thế giới, đòi hỏi nguồn nguyên liệu cacao VN phải ổn định và phát triển, chăm sóc đúng kỹ thuật để có chất lượng tốt nhất.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo