Cách Dương Tự Trọng dùng nghiệp vụ công an giúp anh trốn
Ngay sau khi nhận được mật báo về việc mình sẽ bị khởi tố và bắt tạm giam, người đầu tiên mà Dương Chí Dũng gọi điện là em trai - Dương Tự Trọng (52 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Tổng cục VII - Bộ Công an), và sau đó, Dũng đã có thể tẩu thoát nhanh chóng.
Giúp anh bỏ trốn một cách chuyên nghiệp
Theo tài liệu vụ án, chiều 17/5/2012, ngay khi được Dương Chí Dũng thông báo, Dương Tự Trọng nói anh trai đến ngay nhà bạn gái mình là Hoàng Kim N. (ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) và ở yên tại đó đợi người của Trọng đến đón.
Đồng thời, Trọng cũng lấy điện thoại của lính mình là Nguyễn Trọng Ánh (khi đó là cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an Hải Phòng) điện thoại cho bà N. nói ra đầu ngõ đón Dũng vào nhà, chờ người của Trọng đến đưa đi.
Sau đó, Dương Tự Trọng gọi hai thuộc cấp thân tín của mình là Vũ Tiến Sơn (lúc đó là Phó phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội) và Hoàng Văn Thắng (cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về môi trường) đến phòng làm việc của mình.
Tại đây, Trọng thông báo cho hai thuộc cấp việc anh trai mình là Dương Chí Dũng đã bị khởi tố và bàn cách đưa Dũng trốn đi ra nước ngoài.
Ngay sau đó, Trọng cùng Sơn, Ánh và thêm Nguyễn Thái Hưng (cán bộ hải quan TP Hải Phòng) lên xe đi Hà Nội để "giải nguy" cho Dương Chí Dũng. Đồng thời, Trọng cũng giao cho Thắng lái xe đến đón Phạm Minh Tuấn (giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng, là bạn thân của Trọng) đi Hà Nội, đến nhà N. đón Dương Chí Dũng.
Theo hẹn trước, trên đường đi Hà Nội, nhóm của Trọng đã đứng đợi ở khu vực Phố Nối (Hưng Yên) để chờ gặp Thắng - Tuấn, đưa cho Thắng một túi nilông đựng chiếc điện thoại chuẩn bị sẵn cho Dương Chí Dũng dùng trong quá trình bỏ trốn. Nhận túi điện thoại và chỉ đạo của Trọng xong, Thắng và Tuấn đi Hà Nội, đến nhà bà N. để đón Dương Chí Dũng.
Hơn 9h tối, Thắng - Tuấn đến nhà bà N.. Thắng đỗ xe ngoài ngõ còn Tuấn đi bộ vào nhà N. đón Dũng ra rồi cả ba lên xe đi Quảng Ninh.
3h sáng hôm sau, xe đến nhà của ông Hoàng Văn Cường (cha của bà N.) thì để Dũng lại. Để tránh sự nghi ngờ, phát hiện của cơ quan chức năng, Dương Tự Trọng không ra mặt mà giao cho Vũ Tiến Sơn thay mình đứng ra chỉ đạo, liên lạc với các đối tượng khác để tổ chức cuộc đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài.
Trốn chạy bất thành
Nhận trọng trách sếp giao, Vũ Tiến Sơn đã liên lạc với Đồng Xuân Phong (đối tượng đang trốn lệnh truy nã) để cùng bàn bạc. Trưa 19/5/2012, Sơn, Phong cùng đối tượng khác là Trần Văn Dũng hẹn gặp nhau tại TP Hải Phòng, thống nhất tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh rồi từ Campuchia sẽ sang Mỹ.
Thực hiện kế hoạch này, Vũ Tiến Sơn đưa cho mỗi người một điện thoại di động mới, dùng sim "rác" liên lạc với nhau.
Để tránh bị phát hiện, mỗi người trong nhóm phải sử dụng tên giả, Dương Chí Dũng có tên là “Đồng”, Đồng Xuân Phong được gọi là “Gió” và Trần Văn Dũng là “Cạn”.
Sau đó, Hoàng Văn Thắng cùng Nguyễn Trọng Ánh đi Quảng Ninh đón Dương Chí Dũng vào TP.HCM. Theo lệnh của Trọng, trước khi đưa Dũng đi trốn mỗi người đều phải để điện thoại chính ở nhà và chỉ sử dụng sim rác để liên lạc với nhau.
Khi vào đến TP.HCM, các đối tượng đã mượn ôtô 4 chỗ mang biển số TP.HCM sử dụng để tránh bị phát hiện còn ôtô biển số Hải Phòng được gửi tại Trung tâm thương mại Vincom, Q.1.
Trước đó một ngày, lợi dụng việc được cử đi công tác tại TP.HCM, Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn đã đáp máy bay từ Hải Phòng vào TP.HCM, trực tiếp chỉ đạo việc đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài.
Ngày 22/5/2012, các đối tượng gặp nhau ở TP.HCM và dùng ôtô 7 chỗ chở Dương Chí Dũng đến cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Trần Văn Dũng, Đồng Xuân Phong đã thuê xe ôm chở Dương Chí Dũng sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch.
Còn Đồng Xuân Phong và Trần Văn Dũng sử dụng hộ chiếu giả để xuất cảnh công khai. Khi sang đến Campuchia, Trần Văn Dũng nhờ nhân viên casino Mộc Bài mang hộ chiếu của Dương Chí Dũng đi đóng dấu nhập cảnh.
Ngày 23/5/2012, khi đến TP Phnom Penh - Campuchia, Đồng Xuân Phong đã mua vé máy bay cho Phong và Dương Chí Dũng bay sang Singapore, từ đó Dũng bay tiếp sang Mỹ còn Phong quay trở về VN.
Tuy nhiên, khi Dương Chí Dũng bay sang Mỹ thì không được phép nhập cảnh nên ngày 27/5/2012 Dũng đành quay về Campuchia, ở tạm tại nhà người bạn của Vũ Tiến Sơn, Trần Văn Dũng tại Phnom Penh.
Ngày 29/5/2012, Đồng Xuân Phong đã trực tiếp sang Campuchia để động viên và đưa cho Dương Chí Dũng 4.000 USD để chi tiêu. Sau đó, Trần Văn Dũng cũng sang Campuchia trực tiếp sắp xếp chỗ ăn ở cho Dương Chí Dũng và đưa cho Dũng gói tiền (30.000 USD) do Dương Tự Trọng nhờ chuyển cho anh trai.
Ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và VN bắt giữ để đưa về VN xử lý sau gần 4 tháng lẩn trốn.
Có thể nói, cách phối hợp giữa các đối tượng rất tinh vi và tỉ mỉ, chỉ có những người nắm được phương pháp điều tra, truy bắt tội phạm mới có thể vạch ra một kế hoạch chi tiết như vậy.
Độc giả: Ai có tình cũng sẽ làm như Dương Tự Trọng?
Nếu như vụ án Dương Chí Dũng ở Vinalines được coi là “đại án tham nhũng” thì vụ xét xử Dương Tự Trọng lại được xem là một “đại án nhân tâm”.
Gọi là “đại án nhân tâm” là vì vụ án này từ khi bắt đầu cho đến khi đứng trước phiên tòa (và có thể sẽ đến cả nhiều năm sau) ngập tràn trong cảm giác tiếc nuối hơn là căm giận hay hoan hỉ. Chữ “giá như” được dùng rất nhiều trong các bài báo sau sự kiện Dương Tự Trọng bị bắt. Hết thảy, từ dư luận cho đến đồng nghiệp trong ngành công an đều có chung cảm giác tiếc cho Dương Tự Trọng.
Dương Tự Trọng được biết đến là một công an giỏi đánh án hình sự có tiếng ở miền Bắc. Nếu Dương Tự Trọng không liều mình cứu anh mà vi phạm pháp luật, hẳn con đường quan lộ của ông còn rộng dài. Với tài năng và sự tận tụy, nhiệt tâm với công việc cùng với danh tiếng vốn có, ông sẽ lại thăng tiến và kỳ vọng giữ những chức vụ quan trọng hơn nữa trong ngành công an.
Nếu như vậy, người ta sẽ biết Dương Tự Trọng là một người không chỉ giỏi đánh án mà còn là một người lạnh lùng, “pháp bất vị thân”. Hình tượng đó có thể sẽ rất được ngợi ca - nhưng có vẻ như không giống với con người vốn có của Dương Tự Trọng.
Theo các nguồn tin, bản thân trong đời thường, Dương Tự Trọng là người sống phóng khoáng, có phần nghệ sỹ, hòa đồng, được anh em đồng nghiệp ngợi ca là sống có tình, có nghĩa. Nhưng trong trường hợp này, chữ “công” đã không vượt qua được cái “tình” của những người máu mủ ruột già.
Độc giả kientran le đã bình luận: "Đó mới là anh em. Tôi luôn theo dõi rất chi tiết về vụ án. Chỉ thấy đáng buồn hơn đáng trách. Nếu như giải quyết thấu đáo thì không rơi vào thảm kịch như hôm nay. Có tội nhưng đó là vì tình khi quẫn trí. Bản năng người VN xưa nay là vậy".
Độc giả Nguyen Hung cũng có nhận định: Một con người nặng tình, nặng nghĩa. Riêng góc độ tình cảm gia đình bạn bè rất khâm phục anh.
Còn độc giả vietha chia sẻ: Có người em như thế, ông Dũng cũng mát lòng nếu phải ra đi. Ông Trọng, về mặt tình, đã làm đúng nghĩa anh em, khúc ruột trên khúc ruột dưới. Nhưng pháp luật đâu có xét tình.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo