Thị trường

Cải cách thể chế: Động lực cho năm 2015

Năm 2015 - 2016, các hoạt động cải cách thể chế sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện và trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam…

Những điểm nghẽn về thể chế nếu được giải quyết có thể coi là chìa khóa quan trọng để tạo động lực tăng trưởng thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Ảnh: Sản xuất bao bì tại Cty TNHH MTV Tân Khánh An

Một sự phấn khởi nhìn thấy rõ của cộng đồng DN khi thông tin Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi được Quốc hội thông qua. Cùng với việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của người dân và chuyển từ phương pháp “chọn cho” sang “chọn bỏ” về các lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh… Đây là những bước khởi đầu đầy ý nghĩa cho công cuộc cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam trong năm 2014…

 
Các bước khởi đầu đáng ghi nhận
 
Có thể nói, kể từ sau khi Việt Nam khởi xướng cải cách thể chế kinh tế và đặc biệt sau Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về đẩy mạnh cải cách thể chế, ngoài Hiến pháp bổ sung, sửa đổi, thì hàng chục luật quan trọng tạo khung khổ pháp lý kinh doanh đã được thông qua hoặc đang trong quá trình sửa đổi, nhằm củng cố thêm các nền tảng của kinh tế thị trường, các định chế thị trường, xác định rõ hơn vai trò của Nhà nước và mối quan hệ với thị trường…Theo đó, hàng loạt thay đổi tích cực về thể chế, như xác định rõ danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; tiếp tục đơn giản hóa và giảm rào cản gia nhập thị trường; thiết lập chế độ “DN được quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành, nghề luật không cấm”, tạo điều kiện cho DN tận dụng hết tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển... đã được thiết lập.
 
Các cải cách quan trọng về thủ tục hành chính chuyên sâu theo từng ngành, như đất đai, đầu tư xây dựng, thuế, hải quan... Và một trong những cải cách mạnh mẽ nhất, đó là đã giảm số giờ kê khai nộp bảo hiểm xuống còn 108 giờ (giảm 227 giờ). Thời gian tiếp cận điện đã giảm xuống còn 18 ngày làm việc, rút ngắn 42 ngày so với các quy định hiện hành. Thủ tục xuất nhập khẩu cũng được đơn giản hóa một bước từ ngày 1/10/2014...
 
Cùng với cải cách hành chính theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường nhằm giảm chi phí cho DN, các hoạt động nhằm cải cách thể chế thời gian qua còn góp phần thắt chặt kỷ luật ngân sách và tăng trách nhiệm giải trình đối với quyết định và phân bổ vốn đầu tư công; cũng như tăng kỷ luật thị trường đối với DNNN, nâng cao năng lực quản trị và cải cách DNNN.
 
Chính phủ đã xác định 4 nội dung cơ bản, gồm áp đặt ngân sách cứng và kỷ luật thị trường đối với DNNN, đổi mới và áp dụng quản trị Cty hiện đại theo thông lệ quốc tế tốt, cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, và tái cơ cấu toàn diện từng tập đoàn, TCty nhà nước. Có thể khẳng định đây cũng là một trong những tiến bộ quan trọng của cải cách thể chế kinh tế của VN trong năm 2014. Đây thực sự là làn sóng cải cách lần thứ 2. Lần trước (những năm 2000), là mở cửa thị trường, nhà nước rút dần đi cho thị trường vận hành. Làn sóng đầu tư thứ nhất xuất hiện. Lần này, theo tôi có khó hơn rất nhiều khi yêu cầu của làn sóng đầu tư thứ hai là phải thay đổi cách thức vận hành của nhà nước. Nên có lẽ phương án khả thi cao hơn, đó chính là thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư…
 
Động lực tăng trưởng
 
Cải cách thể chế không phải là vấn đề mới tại Việt Nam. Nhưng tất cả những diễn biến đổi mới vừa qua đã tạo môi trường đầu tư VN hấp dẫn tới so với các nước có cùng trình độ và tạo ra làn sóng cải cách. Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để lên kế hoạch cho cuộc cải cách thể chế mới.
 
Nếu chúng ta biết tận dụng được cơ hội này thì sẽ là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam thành công. Đồng thời, cũng nhờ đó giúp Việt Nam nhanh chóng đặt nền móng thực hiện hoài bão trở thành một nền kinh tế thu nhập cao.
 
Chính phủ cần đẩy nhanh cải cách DNNN, minh bạch hoá thông tin và chấm dứt ưu đãi vốn, đất đai cho khu vực này; cần có kế hoạch rõ ràng về giải quyết nợ xấu, đặc biệt là câu hỏi vốn ở đâu để xử lý việc này và phải chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
 
Đổi mới quản trị DNNN là xương sống để tăng cường hiệu quả của quá trình sắp xếp và đổi mới DNNN. Bên cạnh các giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu DNNN như cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành… thì một giải pháp căn cơ là áp dụng các nguyên tắc quản trị hiện đại trong các DNNN, nhất là đối với các tập đoàn, TCty nhà nước. Có thể nói việc nâng cao năng lực quản trị tại các DNNN, hay đi xa hơn là hình thành một phương thức quản trị mới cho các loại mô hình DNNN là nhân tố quan trọng quyết định đến kết quả cuối cùng của quá trình tái cơ cấu DNNN.
 
Như đã đề cập ở trên, thể chế kinh tế là một “luật chơi” để điều chỉnh các chủ thể kinh tế, các hành vi sản xuất kinh doanh và các quan hệ kinh tế. Vì thể chế kinh tế tạo ra “những hệ thống quy luật xã hội được thiết lập và phổ biến, kiến tạo nên các mối tương tác xã hội”.
 
Như vậy, chất lượng và độ tin cậy của thông tin kinh tế cũng như số liệu thống kê có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng và sự hợp lý của các chính sách kinh tế vĩ mô được Chính phủ đưa ra, phục vụ công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá, dự báo tình hình, yêu cầu hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
 
Về mặt thể chế, cần cải cách việc thu thập, xây dựng và công bố thông tin kinh tế và số liệu thống kê, đảm bảo luật thống kê hướng tới tính minh bạch, trung thực và khoa học. Số liệu thống kê tháng và quí cần được hiệu chỉnh mùa vụ và các loại sai số khác và được công bố công khai và giải thích chi tiết. Số liệu thống kê sau khi hiệu chỉnh cần được lưu giữ cả chuỗi số trước và chuỗi số sau hiệu chỉnh để các đối tượng sử dụng có thể so sánh mức độ thay đổi số liệu. Cần tính toán và công bố thêm một số số liệu định tính như kỳ vọng lạm phát, lòng tin người tiêu dùng…
 
Hiện Việt Nam đã chuyển đổi từ quản lý kinh tế bằng biện pháp kế hoạch hóa tập trung sang sử dụng cơ chế thị trường, lấy kinh tế thị trường hiện đại làm mục tiêu – đó là mục tiêu cải cách kinh tế. Cải cách thể chế là cơ sở, là bệ đỡ, là động lực của cải cách kinh tế. 
 
Những điểm nghẽn về thể chế nếu được giải quyết có thể coi là chìa khóa quan trọng để tạo động lực tăng trưởng thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn suy giảm và đạt được tăng trưởng cao, ổn định và bền vững...
Theo DDDN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo