Thị trường

Cái chết của những trang trại điểm

Gần mười năm trước, trang trại của ông Khả, ông Tùng được các cấp của tỉnh Hà Nam chọn làm thí điểm mô hình kinh tế trang trại. Gần mười năm sau, khi những khu ruộng có giá trị kinh tế thấp trở thành những trang trại trù mật, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm thì cũng là lúc chính quyền địa phương thu hồi để giao cho người khác.

Khu đất rộng 3ha trải dọc con đường chính của thôn Lập Thượng (xã La Sơn) vốn là một trang trại trù phú bậc nhất của huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) suốt gần năm năm từ 2006 – 2010 nhưng hơn một năm nay, nó trở thành “cánh đồng hoang” với cỏ dại, bèo tây um tùm.

 

Từ trang trại điển hình thành “cánh đồng hoang”

 

Nhìn từ ngoài vào, mặt nước ao hồ trải rộng ngút tầm mắt, song lối vào của trang trại là nhánh nhỏ đường đất phủ đầy hoa cứt lợn. Đi sâu vào bên trong, chỉ toàn um tùm lau sậy và cây dọc mùng (tàu môn) cao quá thân người. Khu chuồng trại hai dãy bề thế cả trăm mét vuông bỏ hoang, mà muốn đi vào, ông Đinh Văn Khả phải lấy liềm tỉa bớt những cây dại cao cả mét. Luồn lách theo ông Khả vào giữa trang trại, chúng tôi không thể hình dung nổi mảnh đất hoang này mới chỉ một năm trước là trang trại tốt tươi, từng là mô hình điểm minh chứng cho sự thành công của nghị quyết phát triển kinh tế trang trại do tỉnh uỷ Hà Nam khởi xướng gần một thập niên trước.

 

Ông Khả thở dài khi kể lại quá trình làm trang trại đầu những năm 2000: Sau khi nhận thầu khoán 2,99ha đất với thời hạn đến hết năm 2013, ông Khả bắt đầu mở rộng chăn nuôi từ đầu năm 2001. Năm 2003, khi tỉnh Hà Nam tiến hành thí điểm mô hình trang trại, diện tích đất của ông Khả được chọn để chuyển đổi sang làm trang trại đa canh: nuôi gà, vịt, heo, thả cá kết hợp trồng cây ngắn ngày. Thời gian thực hiện dự án là mười năm, từ năm 2003 – 2013.

 

Được sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, Ủy ban Nhân dân huyện Bình Lục khuyến khích, trong hai năm 2003 - 2004, ông Khả bỏ vốn liếng, vay mượn thêm để có 314 triệu đồng đầu tư vào trang trại và ba năm tiếp theo, trung bình mỗi năm ông bỏ thêm trên 50 triệu đồng để tu bổ, mua thêm con giống, cây trồng. “Tiền bỏ ra vài trăm triệu đồng, ba năm đầu hầu như làm cầm cự lấy kinh nghiệm, thậm chí là thất bại lớn khi đưa vào trồng đại trà bưởi Diễn, vải thiều ở địa hình chiêm trũng. Không nản chí, tôi tiếp tục bỏ tiền ra đào ao thả cá, nuôi vịt, đầu tư chuồng trại nuôi gà, heo và đến năm 2007 mới gọi là có “quả ngọt” đầu tiên”, ông Khả kể.

 

Lật từng trang quyển sổ thu chi hàng năm, mãi đến trang hạch toán lỗ lãi của năm 2008, ông Khả mới dừng lại nhoẻn miệng cười: “Đây là năm đầu tiên thực sự có lãi, gần 300 triệu đồng, và trong ba năm tiếp theo sau đó, mỗi năm thu vào cũng ngần ấy. Số tiền này đủ để trả bớt nợ nần, tiếp tục đầu tư, mở rộng”, ông Khả kể.

 

Cuối năm 2010, giữa lúc đang hăm hở làm ăn, bỗng nhiên ông nhận được giấy gọi của Ủy ban Nhân dân xã lên để thanh lý hợp đồng giao đất trong khi thời gian thực hiện dự án còn những ba năm. Không đầy nửa năm sau, trang trại 3ha của ông Khả đã bị xã mang ra đấu thầu. Ông Khả bức xúc: “Tất nhiên tôi không chịu! Không đấu gì hết vì không lẽ tôi lại đi đấu thầu mảnh đất của tôi.

 

Đó là cơ nghiệp, là danh dự của đời tôi!” Vậy là cơ ngơi gần mười năm của ông Khả bị thu hồi và giao cho người khác rất chóng vánh. Đã gần một năm trôi qua kể từ ngày đó, dẫu rằng chủ mới chưa nhận được đất, nhưng gia đình ông cũng không thể tiếp tục sản xuất, mảnh đất vốn trù phú nay trở thành cánh đồng đầy cỏ dại.

 

“Cá phải gạn non, lợn bán nhỡ nhàng”

 

Cùng với ông Đinh Văn Khả, trong thời gian kể trên, ông Nguyễn Văn Tùng ở thôn Đồng Rồi cũng được lựa chọn làm chủ đầu tư cho dự án điểm phát triển mô hình trang trại đầu tiên này.

 

Song khác với ông Khả, ông Tùng chỉ được đấu thầu đất thời hạn năm năm một, lần đầu nhận thầu khoán vào năm 2000, và đến năm 2005, ông trúng thầu lại diện tích 5,1ha mà ông đang sử dụng làm trang trại. “Khi ký thuê lại đất lần thứ hai, xã có hứa khi hết hạn thuê đất (2010), nếu có nhu cầu, tôi sẽ được ưu tiên thầu tiếp với giá bằng hoặc thấp hơn người khác. Hơn nữa, khi ấy tôi cứ nghĩ, quyết định duyệt dự án trang trại do cấp huyện, tỉnh phê duyệt thời hạn đến năm 2013, chẳng lẽ chữ ký cấp trên lại thua cái hợp đồng thuê đất cấp dưới? Nghĩ vậy, nên tôi yên tâm nhận thầu năm năm một”, ông Tùng nói.

 

Tuy nhiên, khi hết thời gian đấu thầu đất vào cuối năm 2010, ông Tùng liên tiếp nhận được thông báo thanh lý hợp đồng, kiểm kê tài sản đền bù nhằm mục đích thu hồi đất để xã tổ chức đấu thầu công khai.

 

Theo lời ông Tùng, tại thời điểm tháng 7.2011, khi xã đấu thầu 5,1ha trang trại của ông, ông không tham gia bỏ thầu với lý do “dự án còn ba năm mới đáo hạn, nên không việc gì phải đi đấu thầu cái đang là của mình”. Ngoài ra, “trước đó, tôi đã đề nghị sẵn sàng nâng mức đóng góp lên, thậm chí cao hơn cả mức 71kg/sào của người trúng thầu sau này, vậy mà xã vẫn tìm đủ lý do ép tôi nhận đền bù để giao cho người khác”, ông Tùng nói.

 

Rút cuộc, sau tám năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để biến vùng đất chiêm trũng một vụ lúa năng suất thấp thành trang trại thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm, “nông dân sản xuất giỏi” với hàng chục bằng khen từ đủ các cấp: huyện, tỉnh, Trung ương hội Nông dân, ông Nguyễn Văn Tùng đã bị UBND xã La Sơn cho ra rìa. Trang trại của ông bị xẻ làm đôi, giao lại cho hai người khác.

 

“Làm ăn đứt gánh giữa chừng, cá phải gạn non, lợn bán nhỡ nhàng trong khi xã ép tôi nhận đền bù với giá rẻ rúng. Khi kêu gọi chúng tôi làm chủ đầu tư vào dự án thí điểm, chính quyền khẳng định sau mười năm thực hiện sẽ ưu tiên giao tiếp cho chủ cũ, vậy mà họ (chính quyền – PV) lại sai lời. Ngay thời hạn thực hiện dự án còn ba năm mà chúng tôi vẫn bị gạt sang một bên!”, ông Tùng bức xúc.

 

“Trang trại đầu tiên nên quy định của tỉnh chưa rõ ràng”?

 

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trần Văn Sơn, chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Lục, thừa nhận đây là hai trang trại đầu tiên của tỉnh, và ngày đó, tỉnh giao trực tiếp cho xã làm chủ dự án, sau đó xã ký hợp đồng với hai chủ trang trại làm chủ đầu tư, chứ huyện không có thẩm quyền. “Mãi đến gần đây huyện mới được giao, có điều vì đây là trang trại đầu tiên thí điểm nên có thể hồi đó các văn bản quy định của tỉnh cũng chưa rõ ràng. Tôi đang chờ ý kiến của thanh tra sở Tài nguyên và môi trường để mở cuộc họp. Nếu có văn bản nói dự án phải được giao đất đến hết năm 2013, mà năm 2010 xã đã buộc thu hồi thì xã sai”, ông Sơn khẳng định.

 

Tuy vậy, ông Sơn cho biết: “Theo báo cáo của chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã La Sơn, do thẩm quyền giao đất của xã chỉ năm năm, nên dù thời hạn dự án còn ba năm, xã vẫn phải thanh lý, sau đó đấu thầu lại, rồi ký tiếp hợp đồng ba năm còn lại để có cơ sở bắt các hộ này thực hiện nghĩa vụ đóng góp; trong lần đấu thầu này, các chủ trang trại không tham gia thì xã coi như họ không có nhu cầu, nên mới có chuyện giao cho người khác!”

 

Còn ông Lê Ngọc Hanh, chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã La Sơn, nói: “Xã là chủ dự án, còn ông Khải và ông Tùng chỉ là người được xã thuê làm chủ đầu tư theo hợp đồng ký với xã, nên xã có quyền quyết định”. Tuy nhiên, khi phóng viên đòi xem “hợp đồng thuê làm chủ đầu tư” thì ông Hanh không thể dẫn chứng, mà chỉ đưa ra hợp đồng đấu thầu đất, trong khi hợp đồng đấu thầu đất đầu tiên được lập năm 2000, tức trước khi có dự án… ba năm!

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo