Pháp luật

Cái lề!

Mỗi tầng lớp đều có cái lề thói của nó, chẳng phải cao trọng gì, song ít nhất cũng phải có “cái lề”!

Tôi đã từng uống cho tới hai mươi năm trước. Sau một cuộc tiếp tân, trên đường về nhức đầu quá, không một phòng mạch tư nào còn mở, mãi mới thấy ở đầu một con hẻm treo tấm bảng nhỏ “Phòng mạch Bác sĩ - Khám...”, bèn lủi đại vô, bụng bảo dạ: “Cầu trời cho có bác sĩ ở nhà! Bác sĩ phụ khoa cũng được!”. Sau, hơn một tiếng đồng hồ cô bác sĩ sản, phụ khoa mới đưa được huyết áp tôi xuống, kèm lời khuyên: “Anh nhập viện luôn cho đỡ nguy hiểm!”.

Trước đó, tôi cũng có uống nhưng chỉ khi phải cụng ly với khách; còn ở nhà, bữa nào thịnh soạn khác ngày thường. Chắc là tôi thừa kế cách uống của bố tôi, một nghiệp chủ có hơn tá căn nhà đường Trần Cao Vân, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... ở Sài Gòn. Buôn có bạn, sống còn phường, mỗi tháng ông cùng các ông chủ khác cùng ngành nhập cảng vải da cao su ăn tối với nhau một lần; cùng hàng xóm ăn “hụi” cho vui.

Thỉnh thoảng, ông đi hội “Rotary Club” mà chuyện ăn, uống là chuyện trịnh trọng chớ không phải chuyện phàm phu tục tử. Còn thì chiều chiều, ông uống đúng 2 “công-som-ma-xi-ông” Martell “lùn”, đúng khẩu hiệu Sachez consommer avec modération (Hãy uống có chừng mực ), đọc cho hết bốn trang báo lớn, thì bắt đầu dùng cơm tối.

 Cái sự chừng mực đó, có lẽ các đồng nghiệp công chức cùng thế hệ tôi cũng thừa kế được từ gia đình họ. Mỗi tháng rủ nhau đi “rửa lương”, ăn uống chút để vui chứ không để xem ai cao thấp cái khoản uống, cũng chẳng phải vì ghiền! Vô nhà hàng, khách được người phục vụ rót từng chút, sẽ thấy cái thư thái của sự uống! Chẳng tiệm nào, chớ đừng nói là nhà hàng, vác cả thùng bia tới chất bên cạnh khách như bây giờ! Ăn vài món, uống vài ly rồi ai về nhà nấy! Dành sức, dành tiền đưa vợ con cuối tuần bát phố, coi xi-nê, ăn uống.

Có phải các thế hệ trước “yếu” hơn bây giờ, hoặc giả chăm chút gia đình hơn? Có thể vì họ biết “về nhà”, chính là vừa về với nhà như là cái căn nhà, vừa về với “nhà” như là gia đình, vợ con (như ý kép của cụm từ “Đây là nhà tôi”)! Có lẽ đồng lương thời ấy tuy chưa nhiều nhặn gì, song cũng cho phép nghĩ đến một sự dành dụm. Thành ra, công chức ít có nhu cầu uống để “chạy trốn” một thực tại bất khả kháng nào, khác với cánh nhà binh cần quên “sầu đời”.

Có thể đồng lương công chức hạng A, thậm chí hạng B cùng dành dụm được chút, nên chẳng ai bức xúc tiền lương mà đem đốt bằng cồn cho sướng cái đã, còn thì tính sau! Cũng có thể do chỉ sống bằng đồng lương, không có “lậu”, không có những khoản “trúng mánh” từ trên trời rơi xuống, nên họ không có thói quen xem nhẹ đồng tiền để rồi “của thiên trả...rượu”! Tiền cũng dăm bảy thứ tiền. Đồng tiền đổ mồ hôi nước mắt mới xót, chớ đồng tiền dễ dàng thì chắt chiu làm chi? Đồng tiền bẩn, không lấy rượu “24 năm tuổi” ra mà “nhổ”, đổ, thì làm gì cho hết? Mà cũng thường thấy ít ai mua rượu “24 năm tuổi” để uống, chỉ thấy uống từ quà biếu thôi!

Cũng có lẽ, họ nghĩ rằng họ thuộc một tầng lớp có cái lề thói của nó, chẳng phải cao trọng gì, song ít nhất cũng phải có “cái lề”! Có thể do “cái lề” “sáng vác ô đi tối vác về” ở xứ này từ hơn một thế kỷ trước, là khó khăn lắm, nên sợ bị “vô kỷ luật”. Khó từ đầu vào, thư ký đánh máy cũng thi tuyển, thư ký hành chính cũng thi tuyển... Khó trong công việc, trong khuôn phép! Đố dám bày độ nhậu trong giờ hành chính! Cái xã hội từng được xem là thác loạn đó coi vậy mà khó tính lắm! “Gái gú” có, nhưng không có sẵn “hà rầm” cho công chức “tăng hai”, “tăng ba”!

Nhìn lại, có vẻ như hoài cổ. Thế nhưng, nhìn sang các nước láng giềng, e rằng cái ngày xưa đó không khác gì cái hiện thực sờ sờ ở Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur... ngày nay: từ nền nếp tề chỉnh, tới chung vui là chính, uống là phụ, bia chỉ một chai, cơm cũng chỉ vài chén, thưởng thức là nhiều! Chẳng hiểu cái lề thói nhậu nhẹt tới bến như bây giờ từ đâu ra!

TBKTSG
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo