Cải thiện “sức khỏe”cho thị trường tài chính: Ưu tiên hàng đầu của World Bank
“Trong tổng giá trị khoản vốn cho Việt Nam vay theo Hiệp định vay vốn ưu đãi cho 5 chương trình, dự án, với tổng giá trị 876 triệu USD, mà tôi và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình vừa ký, một phần được dành cho nỗ lực cải thiện sức khỏe thị trường tài chính…”, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Young Kim nói.
Sẽ sớm có “bệnh án”
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam đang diễn ra, tại cuộc họp báo do WB tại Việt Nam tổ chức chiều 17/7, Chủ tịch WB Jim Young Kim cho biết, cải thiện sức khỏe khu vực tài chính là một trong những ưu tiên hàng đầu của WB trong quá trình triển khai các chương trình hợp tác với Việt Nam thời gian tới. Đây là nỗ lực hợp tác tiếp theo, sau khi các hình thức hợp tác thời gian qua bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Theo đó, để có cơ sở giải ngân, cũng như đưa ra các khuyến nghị chính sách có tính khả thi cao, sau khi đạt được thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam, sắp tới, WB sẽ cử các chuyên gia có kinh nghiệm triển khai chương trình nghiên cứu, đánh giá tổng thể về hiện trạng thị trường tài chính Việt Nam. Dự kiến kết quả đánh giá sẽ được công bố trong vòng một năm tới. Sau khi có “bệnh án” trong tay, WB sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam cải thiện sức khỏe của hệ thống tài chính, nhằm đảm bảo cho khu vực này năng động và hiệu quả hơn trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho đầu tư phát triển…
Các hình thức hỗ trợ của WB, theo ông Jim Young Kim, sẽ tập trung hoàn thiện khung pháp lý theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhưng đồng thời phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Điều này cho phép cải thiện năng lực cạnh tranh của thị trường tài chính Việt Nam trong khu vực, cũng như trên thế giới, đồng thời giảm thiểu các rủi ro cho thị trường trong quá trình vận hành. Cùng với đó là thiết lập cơ chế giám sát quá trình vận hành của khu vực tài chính, sao cho các hoạt động của thị trường diễn ra minh bạch, hiệu quả hơn so với hiện tại. Chẳng hạn như việc giải ngân cho các dự án, sẽ được giám sát chặt chẽ hơn, để không chỉ đúng đối tượng, mà quan trọng hơn là đảm bảo không xảy ra tình trạng tham nhũng, thất thoát vốn đầu tư cho dự án.
Thúc đẩy cải cách DNNN
Trong khuôn khổ các chương trình hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ tịch WB cho rằng, để phát triển nhanh, bền vững, Việt Nam không chỉ cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, phát triển khu vực tư nhân, mà còn cần thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu khu vực DNNN.
“Trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trưa ngày 17/7, chúng tôi một lần nữa nhận được cam kết mạnh mẽ từ phía Việt Nam rằng, quá trình tái cơ cấu khu vực DNNN đang và sẽ diễn ra sâu rộng, quyết liệt hơn…”, ông Jim Young Kim nói và cho biết thêm, phía Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ cả về nguồn lực tài chính, lẫn các giải pháp kỹ thuật từ các đối tác quốc tế, trong đó có WB, để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN diễn ra sâu rộng, hiệu quả hơn. Trên cơ sở kết quả hợp tác tích cực đạt được trong thời gian qua, WB tiếp tục ưu tiên hỗ trợ cả về tài chính lẫn các nguồn lực khác để giúp Việt Nam vượt qua các thách thức, nhằm thực hiện quá trình tái cơ cấu khu vực DNNN nhanh và hiệu quả hơn…
Cụ thể, WB tiếp tục ưu tiên giải ngân, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, tập trung “làm mới” khung pháp lý, để buộc DNNN hoạt động minh bạch, cạnh tranh bình đẳng hơn với các khu vực doanh nghiệp khác. Cùng với thúc đẩy cổ phần hóa, WB khuyến nghị Việt Nam nên đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước xuống mức tối đa ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối.
Điều này không chỉ thúc đẩy “cổ phần hóa vòng 2” diễn ra sâu rộng hơn, mà quan trọng là sẽ làm tăng dư địa thu hút các nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào doanh nghiệp. Qua đó góp phần cải thiện quản trị, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Một hiệu ứng tích cực khác khi tái cơ cấu DNNN hiệu quả, là còn gia tăng cơ hội cho khu vực doanh nghiệp dân doanh phát triển năng động và hiệu quả hơn.
Theo Đầu tư Chứng khoán
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo