Cấm bán rượu, bia sau 22 giờ khó thực thi
Coi chừng quy định rồi... để đó
Bác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó khoa Cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM), cho rằng việc cấm bán rượu, bia sau 22 giờ sẽ rất khó thực thi và cũng khó đạt mục tiêu nhắm đến. Bởi nếu người ta đến quán trước 22 giờ mua một số rượu, bia rồi uống lai rai đến sau 22 giờ thì làm sao xử lý; và nhân lực lấy đâu ra để đi xử lý những việc này?
“Vấn đề quan trọng là về lâu dài cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi công dân ý thức sử dụng rượu, bia hợp lý. Chẳng hạn tuyên truyền để người ta thấy uống rượu, bia quá trễ, uống nhiều sẽ ảnh hưởng giấc ngủ, hại cho sức khỏe, ảnh hưởng công việc của ngày hôm sau; hoặc khi lái xe thì không nên uống sẽ rất nguy hiểm, chứ không nên quản không được thì cấm”, ông Hiệp nói.
Tương tự, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cũng cho rằng cách tốt nhất là tuyên truyền cho người dân từ lúc trẻ có ý thức trong sử dụng rượu bia, không lạm dụng. Việc tuyên truyền dù chậm nhưng sẽ bền vững. “Còn cấm bán rượu, bia sau 22 giờ nghe tưởng dễ nhưng sẽ rất khó thực thi, giống như xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng vậy, ra quy định mấy lần rồi... để đó không có lực lượng nào đi kiểm tra, xử phạt cả”.
“Cách tốt nhất là đánh thuế cao hơn”
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng việc “cấm” này có thể đánh vào phát triển tiềm lực kinh tế mà điển hình là ngành du lịch.
Ông Robert Tan, doanh nhân người Singapore, Giám đốc kinh doanh Công ty du lịch Lạc Hồng, phân tích kỹ hơn: “Nếu VN cấm bán rượu, bia sau 22 giờ sẽ ảnh hưởng lớn đến du khách quốc tế. Du khách nước ngoài đến một quốc gia nào đó thường “lang thang” ăn uống, tìm hiểu cuộc sống cư dân địa phương vào ban đêm. Chắc chắn họ không uống đến say xỉn, nhưng vài ba chai bia để chuyện trò là bình thường. Đặc biệt, du khách châu Âu sau hành trình dài trong ngày tham quan hoặc di chuyển, họ thường ăn tối trễ và khoảng thời gian ăn tối kéo dài 3 - 4 giờ. Chẳng lẽ đến 22 giờ đêm họ chỉ có thể ăn mà không được uống thêm chai bia hay cốc rượu?”.
Ông Tan cho biết thêm, ở các quốc gia Hồi giáo như Malaysia hay Indonesia cũng không quá nghiêm ngặt với việc bán bia, rượu về khuya. Ở Kuala Lumpur (Malaysia) có khu Bingtang bán thức uống có cồn rất trễ về đêm để phục vụ du khách. “Việc đề xuất cấm rượu, bia sau 22 giờ cần được tham khảo ý kiến của ngành du lịch. Với người từng kinh doanh du lịch nhiều năm, tôi khẳng định có ảnh hưởng tới đối tượng này. Cơ quan chức năng tốt nhất cần đi sâu vào phương cách quản lý, chứ không nên làm theo kiểu không quản được thì cấm. Ở các nước thường cấm theo độ tuổi chứ không cấm thời gian sử dụng rượu, bia và hạn chế theo cách đánh thuế cao”, ông Robert Tan nói.
Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty du lịch Thanh Niên Xung Phong, nhiều du khách nước ngoài đôi khi ở nhà không có thời gian để vui chơi, uống bia, rượu nhưng lúc đi du lịch nước ngoài lại thoải mái tiêu xài, ăn uống bia, rượu dù không đến say xỉn. “Ở TP.HCM hay Hà Nội, Đà Nẵng không nhiều tụ điểm để khách vui chơi về đêm, vì thế nếu cấm bia, rượu sau 22 giờ đêm sẽ khiến du khách cảm thấy thiếu thoải mái và có thể khiến họ chọn một điểm đến khác thay thế. Không có nhiều quốc gia trên thế giới cấm rượu, bia.
Cách tốt nhất để hạn chế uống rượu, bia ở VN là đánh thuế cao hơn chứ không thể sử dụng phương án cấm”, ông Trường nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo