Pháp luật

Cạm bẫy và chiêu trò “hút máu” người tham gia Liên minh tiêu dùng

Vì trót “dính” vào Công ty Liên minh tiêu dùng vào tháng 9/2014, đến tháng 3/2015, Nguyễn Thị Lụa đã phải lên mạng để rao bán “vốn tự có” của mình để kiếm tiền trả cho những khoản vay siêu nặng lãi. Điều đáng nói là khoản nợ lãi này của nữ sinh viên là vay từ cửa hiệu cầm đồ để có tiền ký hợp đồng làm Cộng tác viên cho công ty này, người dẫn mối cho nữ sinh viên làm thủ tục vay tiền lại chính là nhân viên của Công ty Liên minh tiêu dùng...

 

Vô tình biết được bi kịch của một nữ sinh phải “dầm” mình vào nghiệp “buôn phấn bán hương” để lấy tiền trả những món nợ lãi khổng lồ do tham gia vào hệ thống đa cấp của Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam (gọi tắt là Công ty Liên minh tiêu dùng, có địa chỉ tại số 252 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), nhóm phóng viên báo Câu chuyện Pháp luật quyết định thâm nhập để vạch trần những chiêu trò “hút máu” vay lãi và cách hành xử không khác gì “xã hội đen” của công ty này.

Kỳ 1: Bi kịch của nữ sinh phải bán thân để lấy tiền trả nợ và những lần thâm nhập hang ổ đa cấp

Vì trót “dính” vào Công ty Liên minh tiêu dùng vào tháng 9/2014, đến tháng 3/2015, Nguyễn Thị Lụa đã phải lên mạng để rao bán “vốn tự có” của mình để kiếm tiền trả cho những khoản vay siêu nặng lãi. Điều đáng nói là khoản nợ lãi này của nữ sinh viên là vay từ cửa hiệu cầm đồ để có tiền ký hợp đồng làm Cộng tác viên cho công ty này, người dẫn mối cho nữ sinh viên làm thủ tục vay tiền lại chính là nhân viên của Công ty Liên minh tiêu dùng...

Cuộc gặp tình cờ trên mạng

Tôi gặp Lụa lần đầu khi Lụa là một nhân vật mà tôi tiếp cận trong một bài viết về hoạt động mại dâm trên mạng xã hội Zalo. Trong vai một người đang “tuyển hàng”, tôi gặp Lụa khi cô đang lên mạng và rao bán “vốn tự có” của mình và thổ lộ mong muốn được làm... cave trong 1-2 tháng để kiếm tiền trả nợ. Tôi nghĩ đó chỉ là những chiêu trò “câu khách”, “làm hàng” như bao cô gái bán dâm khác. Tuy nhiên, Lụa lại thể hiện sự nhiệt tình và chân thật của mình bằng cách gửi tôi tấm hình thẻ sinh viên và thẻ xe buýt có ảnh, tên và trường Đại học mà Lụa đang theo học. Tôi quyết định gặp Lụa để tiếp tục khai thác thêm thông tin.

Trong nhà nghỉ, Lụa ngồi rúm ró, sợ sệt. Thái độ của cô lúc này khác hẳn với sự nhiệt tình khi nói chuyện trên mạng. Tôi dò hỏi những câu chuyện về nguyên nhân của sự dấn thân vào con đường bán dâm, Lụa chỉ đáp gọn lỏn: “Để trả nợ!”. Rồi cô lại rúm ró thu mình kiểu tự vệ. Bất chợt, Lụa bật dậy và chạy nhanh về phía cửa phòng rồi “đáp” lại phía tôi một câu nói vội: “Em xin lỗi, em không làm nữa, em về!”. Tôi hiểu rằng sâu thẳm trong tâm can của cô gái này vẫn đang chấp chới giữa ranh giới của vũng bùn nhơ nhuốc và sự trong trắng của một nữ sinh như cô từng giới thiệu.

Những ngày sau, tôi vẫn theo dõi tài khoản Zalo của Lụa. Cô gái này lại than thở trên mạng: “Thế là đã xong, cuộc sống của tôi chuẩn bị sang một trang khác”; rồi: “Ai tặng quà và rủ em đi chơi đi”... Đoán rằng cô quyết chí đi làm tiền bằng cách bán dâm, tôi lại tiếp tục tiếp cận Lụa thêm lần nữa: “Vẫn còn cơ hội cho em, nếu làm thì tối nay đến test (thử) “hàng”. Anh muốn biết kỹ năng quan hệ tình dục của em thế nào”. Lụa nhanh chóng đồng ý lời đề nghị trên. Lần này, cô chủ động mạnh dạn hơn. Tuy nhiên, trước khi “lâm trận”, tôi cho Lụa xem một clip ghi lại một buổi thác loạn với các cô gái đang uốn éo thi ngực trần trong một quán karaoke. Khi Lụa chưa kịp hiểu gì, tôi giải thích: “Đây là cách mà bọn ma cô, dắt gái dùng để khống chế các cô gái làm nghề bán dâm đó! Họ sẽ ghi lại những cảnh em thác loạn, quan hệ tình dục với khách để khống chế các cô gái. Em không thể rút chân ra được nếu đã nhúng chân vào”.

Lụa im lặng, ôm mặt khóc nức nở rồi cất lời: “Tất cả chỉ vì món vay nặng lãi để em có tiền tham gia vào hệ thống của Công ty Liên minh tiêu dùng mà ra...”. Từ đó, một câu chuyện bất ngờ được hé lộ...

Bi kịch bạn phản

“Em từ dưới quê lên học ngành Quản trị kinh doanh từ hồi tháng 9/2014. Vì bố mẹ đều là công nhân, em lại theo học ngành chuyên về kinh tế nên em muốn tìm một công việc làm thêm phù hợp với ước muốn kiếm tiền và kinh doanh. Lúc đó, có một người bạn hồi cấp ba rủ em tới địa chỉ 252 Hoàng Quốc Việt bằng giọng rất mập mờ: “Bạn cứ lên đây. Bạn sẽ có cơ hội làm giàu và được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm về kinh doanh. Chúng ta học với nhau từ cấp một, mình sao có thể nói dối bạn được”, Lụa kể về lần đầu bị dụ dỗ tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên minh tiêu dùng.

“Nghe bạn ấy nói vậy, em hào hứng đến địa chỉ 252 Hoàng Quốc Việt. Lúc đó, em được bạn này dẫn lên tầng 3 của tòa nhà cao 9 tầng này và thấy hàng trăm con người đang tụ tập ở đây. Họ nói về những cơ hội kinh doanh với mức thu nhập hàng trăm triệu/tháng. Họ đạo mạo, lịch sự, tự tin. Em bị quay cuồng trong cái vòng quay ấy. Rồi họ hỏi: “Em có muốn làm giàu không? Có muốn nắm bắt cơ hội không?”. Rằng nếu muốn tham gia thì em phải mua một lô hàng là những sản phẩm mà em chẳng có nhu cầu dùng bao giờ. Đó là các loại thực phẩm chức năng hoặc thuốc bổ. Giá của lô hàng này là 8,5 triệu đồng. Em gật đầu nhưng sực nhớ ra rằng mình chẳng có đồng tiền nào.

Thấy vậy, họ lại hướng dẫn em cách vay tiền. Cụ thể, họ bảo em cầm thẻ sinh viên, chứng minh thư ra để họ kết nối cho em tới một quán cầm đồ trên địa bàn gần đó, nằm trên đường Trần Quốc Hoàn. Rồi họ thúc em cần đi ngay để họ bố trí người đi kèm, ra giới thiệu. Em như bị ma làm đi theo họ như một cái máy. Thẻ và chứng minh thư của em vay được 9 triệu, lãi 5 ngàn đồng/triệu/ngày. Vay xong, họ lập tức đưa em về để ký hợp đồng. Một tháng sau thì em vỡ mộng vì nhận ra đây là công ty lừa đảo núp bóng kinh doanh đa cấp. Chủ nợ thì cứ thúc liên tục. Em đành cầu cứu người yêu ở quê. Anh ấy giúp em số tiền rút thẻ ra nhưng đó cũng là món quà chia tay anh ấy dành cho em”, vẫn lời Lụa kể về “mối duyên” của cô với công ty này.

Tuy nhiên, đó chưa phải là cái “hạn” cuối cùng Lụa phải chịu. Cậu bạn dẫn Lụa vào Công ty Liên minh tiêu dùng lại tiếp tục rót vào tai Lụa về việc cậu ta vẫn kiếm tốt nhờ quan hệ rộng và khéo ăn nói. Rồi bất chợt cậu ta kêu thiếu tiền, muốn vay nóng của Lụa vài triệu. Lụa kêu không có nên cậu ta lại bày cách cho Lụa ra cắm thẻ tại “quán quen” của Công ty Liên minh tiêu dùng. Lần này, Lụa lại cắm thẻ để vay 9 triệu với mức lãi 7 ngàn đồng/triệu/ngày.

“Vay xong tiền cậu ta lặn luôn và bỏ luôn việc học tại trường Cao đẳng Y. Lúc đó, em mới ngã ngửa ra là cậu ta cũng nợ ngập đầu vì tham gia vào công ty này, vay nặng lãi nên mới đưa em vào để thế mạng”, Lụa chua chát.

Những câu chuyện mà Lụa kể đã được chúng tôi trực tiếp kiểm chứng bằng cách về quê Lụa và về nhà cậu bạn đã lừa cô vào hệ thống Công ty Liên minh tiêu dùng (nội dung này chúng tôi sẽ đề cập tới trong số báo sau). Tuy nhiên, từ đó, chúng tôi thấy rõ hai tấn bi kịch mà hai sinh viên đã phải trải qua vì trót dính vào vay lãi để trở thành “Cộng tác viên” của Công ty Liên minh tiêu dùng. Điều đó thôi thúc chúng tôi thâm nhập để vạch trần thủ đoạn “hút máu” sinh viên của công ty này.

 

 Nạn nhân trình bày sự việc với phóng viên


Vào “hang cọp”

Để chuẩn bị cho kế hoạch tác nghiệp, nhóm phóng viên chúng tôi quyết định tìm một “tay trong” là người đã ký hợp đồng và từng hoạt động trong Công ty Liên minh tiêu dùng nhưng đã nhận ra bản chất lừa đảo của Công ty này và giúp đỡ chúng tôi thâm nhập. Sau nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi gặp được Vũ Thị Tuyết Nhung, sinh viên trường Đại học Công nghệ Đông Á đã đồng ý giúp đỡ chúng tôi thực hiện công việc thâm nhập này.

Nhung vốn là sinh viên năm thứ nhất, quê tại Cẩm Phả (Quảng Ninh). Cô tham gia vào Công ty Liên minh tiêu dùng qua giới thiệu của một người bạn và nhanh chóng nhận ra mình bị lừa và nếu cứ tiếp tục thì sẽ tự biến mình thành kẻ lừa đảo. “Cả tiền lãi và tiền gốc mà em phải trả cho quán cầm đồ khi cắm thẻ để tham gia vào Công ty Liên minh tiêu dùng là gần 20 triệu. Em phải cầu cứu khắp nơi và đến bây giờ vẫn còn chậm vài triệu tiền học phí”, Nhung cho hay.

Để thực hiện kế hoạch thâm nhập trở lại, Nhung bắt đầu kết nối lại các “anh, chị” đã từng là tuyến trên của mình trong hệ thống để đề nghị được đi làm trở lại. Ngày 14/3, Nhung báo với hệ thống này về việc sẽ dẫn một nữ sinh trường Đại học Thăng Long lên để nhờ tuyến trên chốt hợp đồng tham gia vào hệ thống. Đương nhiên, đề nghị này của Nhung nhanh chóng được chấp nhận. Người mà Nhung dẫn tới gặp với tư cách “khách mời” chính là cộng tác viên của chúng tôi.

9h30 sáng 14/3, Nhung và cộng tác viên này có tại Công ty Liên minh tiêu dùng. Tại đây, nữ cộng tác viên của chúng tôi lập tức được hòa mình vào không khí náo nhiệt, sôi động bởi hàng trăm con người xung quanh. Nhanh chóng, nữ cộng tác viên này được đưa vào một chiếc bàn nhỏ. Một “chuyên gia” được giới thiệu là cấp trên của Tuyết Nhung và là người lĩnh trách nhiệm thuyết phục nữ cộng tác viên của chúng tôi ký vào hợp với công ty.

Cuộc nói chuyện kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, khi thì “chuyên gia” thuyết trình trong vai một nhà mô phạm với những với những câu chuyện lý tưởng sống và khát vọng làm giàu của tuổi trẻ: “Vào đây, em sẽ được tham gia vào môi trường năng động, tự tin, trưởng thành hơn. Em không phải xin tiền bố mẹ. Ngược lại, chỉ cần vừa làm, vừa chơi, em cũng có thể đạt được mức thu nhập 118 triệu/tháng. Thu nhập đó ở đây là chuyện quá bình thường. Em học đại học 5 năm ra thì cũng chỉ xin được việc với mức lương 2 triệu/tháng mà thôi”.

Khi thì vị này lại “chém” như một “chuyên gia” về dinh dưỡng và y tế. “Công ty bọn anh có mấy nhóm sản phẩm chính sau đây: Can-xi, dầu cá, trà, đông trùng hạ thảo. Toàn những thứ rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Em biết đấy, can-xi chiếm tới 70% trong cơ thể(?), nên từ đứa trẻ nhỏ tới ông già cũng vẫn cần bổ xung can-xi...

Trong vai một “chuyên gia” kinh tế, vị này hùng hồn: “Liên minh tiêu dùng là một mô hình kinh doanh ưu việt với đặc thù sản phẩm tới được tận tay người tiêu dùng không qua các kênh phân phối. Các chi phí phân phối đó sẽ được chia cho những người góp phần phân phối sản phẩm. Người tham gia vào hệ thống tiêu dùng này sẽ trực tiếp được hưởng lợi từ việc tạo ra một hệ thống tiêu dùng hình tán cây với ba tán được hưởng lợi.

Tán thứ nhất, những người do trực tiếp giới thiệu và ký hợp đồng tiêu thụ gói sản phẩm trị giá hơn 8,5 triệu đồng, người giới thiệu sẽ được hưởng 680 ngàn đồng/người. Tán thứ hai là tán được phát triển bởi những người giới thiệu ở tán thứ nhất trực tiếp phát triển. Lúc này, dù cho không trực tiếp giới thiệu những người này vào nhưng người giới thiệu ban đầu sẽ được hưởng 100 ngàn đồng/người. Rồi tán thứ 3, số tiền hưởng sẽ giảm đi một chút, còn 50 ngàn đồng/người. Nhưng với cấp số nhân anh tin rằng em dễ dàng đạt được thu nhập 70 triệu đồng/tháng... Đây chính là quyền lợi của một cộng tác viên của công ty được hưởng”.

Rồi vị này lại lân la sang câu chuyện về điều kiện để trở thành cộng tác viên hưởng quyền lợi kinh doanh của công ty: “Để trở thành một cộng tác viên chính thức của công ty, em cần có được số điểm tích lũy 5.680 điểm - tương đương với 8,5 triệu đồng tiền mua hàng. Có hai cách để em trở thành cộng tác viên hưởng quyền lợi: Một là em cứ lũy điểm bằng cách mua từ từ. Hai là mua một lúc đủ số hàng trị giá 8,5 triệu đồng. Em sẽ lập tức trở thành cộng tác viên có chế độ”.

Cuối cùng, vị “chuyên gia” tìm cách thuyết phục bằng hành động dùng chiếc điện thoại iPhone 6 của mình và truy cập vào tài khoản, bảng lương của công ty để chứng minh về những mức lương khủng kiểu như: “118 triệu đồng/tháng ở đây là mức thu nhập quá tầm thường!”. Sau đó, vị này tiếp tục dồn ép khách bằng các câu hỏi dạng: “Vậy em có muốn làm giàu không? Có muốn sống trong môi trường năng động này không?...”.

Và cũng chẳng chờ “đối tác” trả lời, vị này lại chuyển sang bài dạy cách kiếm tiền để đóng tiền mua hợp đồng: “Có lẽ em sẽ thắc mắc tại sao tham gia vào Liên minh tiêu dùng toàn là sinh viên thôi, các bạn ấy lấy đâu ra 8,5 triệu đồng để ký hợp đồng, anh sẽ giúp em. Anh có bạn làm hỗ trợ cho sinh viên vay vốn. Khi sinh viên vào đây làm, anh ấy toàn cho vay thôi. Khi nào có tiền thì em trả. Anh cần em để lại chứng minh thư và thẻ sinh viên. Bên anh ấy chỉ để lại để làm tin thôi. Khi nào có tiền em mang trả anh ấy cũng không sao cả bởi đây là chỗ người quen. Khi cần các giấy tờ này thì em bảo người trong công ty mượn giúp em luôn. Anh sẽ chờ chị Ngọc dẫn em ra quán anh ấy”.

Chỉ chờ có vậy, nữ cộng tác viên của chúng tôi nhanh chóng rời khỏi công ty và đi cùng cô gái tên Ngọc, cô ta đưa người của chúng tôi đến một quán cầm đồ trong ngõ 218 trên đường Trần Quốc Hoàn. Sau khi gặp được “con mồi”, chủ quán cầm đồ nhanh chóng đưa ra điều kiện để cắm thẻ: “Anh sẽ cho em vay 9 triệu, lãi là 5 ngàn đồng/1 triệu/ngày. Anh sẽ cắt lãi trước nửa tháng và cứ nửa tháng em sẽ phải đóng lãi 1 lần. Trước khi ra trường, em phải thanh toán dứt điểm cho anh...”. Đúng lúc này, lấy cớ bị bố mẹ phát hiện việc tham gia vào kinh doanh đa cấp, nữ cộng tác viên của chúng tôi lập tức kiếm cớ chuồn.

(Một số nhân vật trong bài đã đổi tên để đảm bảo an toàn cho người cung cấp tin) Đón đọc kỳ sau:

Do tâm sự với một người bạn thân làm trong Công ty Liên minh tiêu dùng về việc giúp phóng viên thâm nhập điều tra, cô gái Vũ Thị Tuyết Nhung (người đã giúp chúng tôi thâm nhập vào Công ty Liên minh tiêu dùng) đã vô tình để lộ thông tin về việc này với các đối tượng trong Công ty Liên mình tiêu dùng. Tuyết Nhung và cộng tác viên của chúng tôi đã bị những “nhân viên cấp cao” của Công ty Liên minh tiêu dùng bắt giữ, đánh đập, đe dọa giết, hiếp và làm nhục. Cuộc giải cứu Tuyết Nhung và Cộng tác viên diễn ra như thế nào?
 

Theo Pháp luật VN
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo