Cảm động vợ chồng ông lão tình nguyện “hiến xác” cho y học
Vượt qua định kiến, rào cản tâm lý của ngày đầu có ý định hiến xác
Năm 2010, ông Đương cùng vợ đi thăm người bạn đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Chứng kiến người bạn của mình cũng như nhiều bệnh nhân khác nằm chờ chết do mắc căn bệnh ung thư. Từ đó ông có ý định hiến xác, mong muốn góp một phần nhỏ bé thúc đẩy sự phát triển cho y học, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học với suy nghĩ đơn giản có chết đi cũng phải chết sao cho ý nghĩa. Bởi nếu thi hài của mình khi mất đi được chôn vào lòng đất rồi trở về với cát bụi thì thật vô nghĩa.
Với suy nghĩ đó ông đã bàn với vợ và được bà Nguyễn Thị Bé đồng ý. Nhưng điều làm ông bất ngờ nhất chính là việc vợ ông không chỉ đồng ý cho ông hiến xác mà cũng có ý nguyện hiến xác cùng ông.
Ngay khi biết được ý nguyện hiến xác của ông bà, bốn người con đã kịch liệt phản đối bởi không lỡ để cha mẹ hiến xác. Cùng với đó là lời ra tiếng vào của bạn bè, hàng xóm láng giềng. Họ cho rằng đó là việc làm gàn dở.Tuy vậy, ông đã kiên trì thuyết phục con cháu hiểu rằng khi qua đời mình tặng lại phần thân xác cho nghiên cứu y học, tạo điều kiện cho các bác sỹ tương lai thực tập sau này trở thành những bác sỹ giỏi trong nghành y, chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Đối với y học nước nhà điều đó rất cần thiết và có giá trị.
Vì chữ “hiếu” các con ông từ phản đối đã dần hiểu và ủng hộ hoàn toàn việc ông bà hiến xác cho y học. Điều đó, đã làm hai vợ chồng ông cảm thấy thật thanh thản trước khi “nhắm mắt xuôi tay” về với ông bà tổ tiên. Ông Đương chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Toàn (46 tuổi) con gái lớn của ông cho biết: Lúc đầu nghe ba tôi nói, cả hai ông bà hiến xác cho y học tôi hết sức bàng hoàng bởi ở thôn quê này trước giờ đâu có nghe hoặc thấy ai hiến xác bao giờ. Nhưng sau đó được ba giải thích, tôi mới hiểu và thấy được ý định hiến xác của ba, mẹ xuất phát từ cái tâm bình dị nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với cộng đồng xã hội. Do đó chúng tôi rất ủng hộ.
Những ngày đầu, khi biết được vợ chồng ông tình nguyện hiến xác rất nhiều người xung quanh đã tìm đến và hỏi có được nhiều tiền không, hay có được những khoản phụ cấp nào từ Bệnh viện ĐH Y Dược nơi vợ chồng ông hiến xác. Bởi trong suy nghĩ của họ cho rằng vợ chồng ông vì nghèo khó mà bán xác cho y học. Nhưng vượt qua tất cả định kiến, rào cản đặc biệt là sự vững tâm trong suy nghĩ theo thời gian đến nay đã hơn 5 năm, họ hiểu ra và rất nghưỡng mộ trước tấm gương cao cả hướng tới cộng đồng của ông bà. Ông Đương tâm sự.
Lúc đầu, do chưa tường tận về quy trình hiến xác nên để thực hiện vợ chồng ông gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở, ông đã đến UBND xã Thanh Bình nhờ cán bộ hướng dẫn, viết đơn hiến xác. Năm 2011, vợ chồng tôi được cán bộ xã đưa lên ĐH Y Dược làm thủ tục hiến xác. Khi được các bác sĩ trao giấy chứng nhận tự nguyện hiến thi hài, vợ chồng tôi đã bật khóc vì ước nguyện bấy lâu đã trở thành hiện thực. Ông Đương nói.
Từ đó tới nay ông cất giữ các giấy tờ liên quan đến thủ tục “hiến xác” của hai vợ chồng rất cẩn thận, coi như môt báu vật gửi lại cho đời trước khi “nhắm mắt xuôi tay”.Ông Võ Bá Hưởng, hiện là Chủ tịch UBMTTQ xã Thanh Bình, cho biết: Việc vợ chồng ông Mười Đương hiến xác cho y học đã làm cho người dân địa phương rất khâm phục. Đó là nghĩa cử cao đẹp hướng tới cộng đồng, xuất phát từ cái tâm bình dị nhưng mang ý nghĩa nhân văn thật cao cả.
Tấm gương sáng giữa cuộc sống đời thường
Cả đời nghèo khó nhưng ông bà luôn lạc quan và hạnh phúc bên nhau. Đến căn nhà tình nghĩa khoảng 40 m2 do nhà nước xây tặng, ở ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai mới thấy hết được sự lạc quan của vợ chồng ông lão Mười Đương bởi luôn tràn ngập tiếng cười.
Gia đình khó khăn thuộc diện hộ nghèo, nhưng ông bà luôn có tấm lòng nhân hậu và đức hi sinh hơn nhiều người. Quan niệm sống chết vì người khác, hiến xác cho y học nó chất phác, thật thà như chính con người ông. Ông Lê Hữu Đảng, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết.
Sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên- Huế, do cuộc sống khó khăn vợ chồng ông phải tha phương lập nghiệp. Năm 1978, ông đưa vợ con vào Đồng Nai.
Do không có đất sản xuất, để đảm bảo cuộc sống mưu sinh vợ chồng ông đã phải rong ruổi khắp làng trên xóm dưới gánh nước thuê, bán cho các hộ dân. Chính nhờ cái nghề nặng nhọc ấy mà ông nuôi sống cả gia đình, lo cho con cái ăn học và trang trải cuộc sống.
Tuy vậy, nhưng ông luôn tích cực tham gia công tác mặt trận tại địa phương. Hiện nay do tuổi cao sức yếu, đi lại khó khăn không cho phép ông tiếp tục công tác mặt trận như trước, nhưng hàng ngày ông vẫn đến gõ cửa từng nhà xem ai cần trình bày hay có nguyện vọng gì, do đó ông luôn được mọi người dân yêu mến và kính trọng. Nhắc đến ông ai cũng gọi ông với các tên trìu mến “ông mặt trận”.
Nói đến việc “hiến xác” tự nguyện của hai vợ chồng. Ông chia sẻ: Trong cuộc sống, biết bao nhiêu nghành nghề đều có cơ hội để thực hành, tiếp xúc với thực tế. Nhưng đối với nghành y, nhất là bộ môn giải phẫu, việc thực hành trên chính cơ thể người còn nhiều hạn chế nên đã gây ra những khó khăn cho sinh viên y khoa trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học.
Vợ chồng tôi cả đời vất vả, nghèo tiền bạc nên hiến xác là điều cuối cùng vợ chồng tôi để lại cho cuộc đời này. Ông bộc bạch về nghĩa cử cao đẹp nhưng rất đỗi chân thật, giản dị của bản thân. Bà Bé tâm sự: Chúng tôi quyết định hiến xác để y học phát triển, khi ước nguyện hiến xác được hiện thực hóa, vợ chồng tôi vô cùng phấn khởi. Như vậy, chúng tôi sống vì mọi người, chết vì nhân loại được rồi.
Trong căn nhà nhỏ nằm nơi góc đường liên ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, thứ tài sản quý giá nhất là hai lá đơn tự nguyện hiến ác cho Y học và lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng. Bên cạnh đó là những bức hình gia đình đã ngả màu theo thời gian được ông bà luôn giữ gìn cẩn thận.
Giữa dòng đời hối hả, với lợi danh, sự ích kỷ đan xen lẫn lộn thì hình ảnh đôi vợ chồng già nghèo khó nhưng luôn lạc quan nghĩ và hướng tới người khác tình nguyện “hiến xác” cho y học mãi là tấm gương sáng phản chiếu giữa cuộc sống đời thường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo