Cần 1 tỷ USD giải phóng mặt bằng xây sân bay Long Thành
Sáng 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có mục tiêu: Xây dựng phương án cụ thể để tổ chức thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi; quản lý sử dụng có hiệu quả diện tích đất đã thu hồi chưa sử dụng; xây dựng hạ tầng KT-XH; tổ chức phát triển sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của Dự án.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn, được quy hoạch từ năm 2005 nên trong nhiều năm qua, người dân sống trong vùng Dự án bị hạn chế quyền sử dụng đất, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn nên việc sớm thực hiện Dự án còn nhằm ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000ha (trong đó đất dành cho mục đích quốc phòng là 1.050ha). Dự án ảnh hưởng đến 4.864 hộ gia đình với gần 16.000 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất. Trong đó, dưới độ tuổi lao động là gần 4.400 người; trong độ tuổi lao động là 9.700 người và trên độ tuổi lao động là hơn 1.400 người.
Ông Thể cũng cho biết, tổng mức đầu tư dự án khoảng 23.049 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD). Trong đó, hơn 18.000 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỷ xây dựng khu tái định cư. Ngoài ra, gần 480 tỷ đồng dùng để tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không và 388 tỷ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.
Theo tờ trình, nguồn vốn và cơ cấu vốn theo đề xuất của Chính phủ là ngân sách Trung ương gần 22.000 tỷ, chiếm 95% tổng mức đầu tư. Trung ương cũng ứng nốt hơn 1.100 tỷ đồng (chiếm 5%) còn lại, UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách theo quy định. Như vậy, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 2 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 thông qua, dự án cần tiếp tục bố trí bổ sung nguồn vốn 18.049 tỷ đồng.
Mặt khác, theo tiến độ dự kiến, Báo cáo Nghiên cứu khả thi của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019 nên cần sớm triển khai Dự án để thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao cho Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đáp ứng tiến độ theo Nghị quyết số 94/2015/QH13. Trường hợp giải phóng mặt bằng sau khi Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được phê duyệt, khi đó việc triển khai các bước tiếp theo sẽ phải phụ thuộc tiến độ bàn giao mặt bằng nên có thể sẽ kéo dài, chưa kể kinh phí giải phóng mặt bằng tăng do biến động giá thị trường và đời sống của người dân, hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan trong vùng dự án sẽ tiếp tục gặp thêm nhiều khó khăn.
Với tác động lớn của Dự án nêu trên, nhất là khi chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua, việc triển khai thực hiện trước công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là hết sức cần thiết.
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với 06 đối tượng là: Bồi thường về đất đối với những trường hợp có chung quyền sử dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ về đất đối với trường hợp đất có diện tích đo đạc thực tế khác so với diện tích đất ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất; Bồi thường thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh đối với tổ chức kinh tế; Bồi thường về di chuyển mồ mả; Bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình; Bồi thường về đất cho người đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Về tổng mức đầu tư và cơ chế bố trí vốn, tổng mức đầu tư cho Dự án thành phần này khoảng 23 nghìn tỷ đồng nhưng hiện vốn ngân sách nhà nước mới bố trí được 5 nghìn tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng, với lượng vốn ngân sách đã được bố trí, khó tiến hành thu hồi đất một lần theo tinh thần Nghị quyết 94, do vậy, cần phân kỳ ra nhiều giai đoạn để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được chia làm 3 giai đoạn thực hiện trong thời gian rất dài (riêng giai đoạn 1 đến năm 2025 mới hoàn thành, các giai đoạn sau có thể thực hiện trong nhiều năm). Việc thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án có thể hiểu là tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho cả 3 giai đoạn không phụ thuộc vào tiến độ của các giai đoạn sau. Để bảo đảm thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 94 là thu hồi đất một lần, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân, Ủy ban Kinh tế tán thành đề xuất của Chính phủ, đề nghị Quốc hội bố trí bổ sung vốn cho dự án từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm đủ kinh phí thực hiện; toàn bộ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất Dự án sẽ được hoàn trả vào ngân sách trung ương. Ngoài ra, ngân sách sau này có thể được bổ sung từ thu lại tiền sử dụng đất đối với mặt bằng sạch để khai thác, sử dụng theo quy hoạch đã phê duyệt và khi sử dụng quỹ đất 21 nghìn ha quy hoạch vùng phụ cận sân bay, điều tiết tỷ lệ phân chia giữa trung ương với địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất.
Về đánh giá tác động môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của Dự án, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án thành phần của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc dự án quan trọng quốc gia. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (điểm a khoản 1 Điều 18) thì Dự án là đối tượng phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án đã có 01 chương về đánh giá tác động môi trường (Chương 8), đã phân tích làm rõ những tác động của dự án đến môi trường, chủ yếu là thực hiện xây dựng các khu tái định cư. Đối với công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không phát sinh dòng thải và không có tác động đến môi trường, hệ sinh thái, thảm thực vật… Các tác động về môi trường chỉ phát sinh khi thực hiện thi công các hạng mục công trình của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Do đó, việc đánh giá tác động môi trường như trong báo cáo là có thể chấp nhận được.
Về đánh giá hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội, do đây là Dự án thành phần về công tác giải phóng mặt bằng nên đánh giá về những nội dung này sẽ được thực hiện trong quá trình xây dựng Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024