Căn bệnh sách lậu và giải pháp?
Cuối năm 2012, những bản sách lậu Mật mã Tây Tạng tập 10 (tác giả Hà Mã, dịch giả Lục Hương, Nhã Nam xuất bản) đã bị in lậu trắng trợn chỉ 2 ngày sau khi sách chính thức được phát hành, chung số phận giống 9 tập trước. Giá bìa sách giả là 100.000 đồng, cao hơn sách thật tới 10.000 đồng. Vậy là trong khi Công ty Nhã Nam phải mất hơn nửa năm với nhiều công sức, chi phí cho cuốn sách thì thủ phạm làm sách lậu chỉ ung dung ngồi chờ và “luộc” ngay chỉ trong 2 ngày.
Đi kiện
Đơn vị đi đầu trong vấn đề chống sách lậu là First News từng mất rất nhiều thời gian để săn lùng thủ phạm và cương quyết lôi ra ánh sáng. Kết quả là First News đã thắng kiện Trường Anh ngữ quốc tế Úc Châu vào ngày 4.6.2012, nhận được 390 triệu đồng tiền đền bù của Trường Anh văn Hội Việt Úc vào sáng ngày 26.9. Hiện, First News cùng Công ty luật sư quốc tế Thiên Việt đã hoàn tất hồ sơ khởi kiện Trường quốc tế Mỹ (thuộc Công ty TNHH giáo dục quốc tế Mỹ) với 5 cơ sở chính tại Hà Nội về hành vi vi phạm bản quyền kéo dài và nghiêm trọng, với mức yêu cầu bồi thường lên tới 729 triệu đồng. First News ước tính bị thất thoát doanh thu khoảng 40 tỉ đồng trong suốt 5 năm qua từ tình trạng in lậu và sao chụp sách học ngoại ngữ.
Giám đốc Nguyễn Văn Phước cho biết First News đã phải cử nhiều nhân viên ra nằm vùng tại Hà Nội suốt 2 tháng để thu thập chứng cứ bằng cách đăng ký làm học viên tại trung tâm này, bí mật quay lại các hành vi kinh doanh, tiêu thụ sách photo và CD in lậu. Ông Phước còn cảnh báo nếu các trường ngoại ngữ lớn không chịu chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền thì First News sẽ tiếp tục khởi kiện vụ án về xâm phạm thương hiệu của Compass tại Việt Nam, theo sự ủy quyền của Compass Media với ước tính số tiền yêu cầu đền bù là rất lớn và với luật sư từ Mỹ sang.
Cần chế tài mạnh hơn
Theo cô Nguyễn Thanh Loan (đại diện Công ty sách Đông A), muốn ngăn chặn nạn in lậu cần có sự giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý. Đồng thời, các đơn vị xuất bản cũng cần theo dõi sát sao, chủ động phát hiện tình trạng in lậu và có biện pháp thích hợp để đăng tải thông tin đến đông đảo công chúng, đồng thời vừa kêu gọi ý thức độc giả để họ không tiếp tay cho hoạt động in lậu.
Ông Bùi Tuấn Nghĩa - Phó giám đốc NXB Kim Đồng - nói rằng cần có chế tài mạnh để xử lý hành vi sản xuất và phát hành sách giả, sách lậu. Và phải có hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền đối với mọi người.
Tại hội thảo Chống in lậu và sách giả do Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức ngày 13.11.2012, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty sách Thái Hà - bức xúc: “Xã hội chấp nhận sách lậu tức chấp nhận ăn cắp. Xã hội dùng sách lậu tức đồng thuận với sách sai nội dung, kém hình thức”. Trong tham luận của mình, ông Hùng hiến kế: “Phải làm mạnh 3 điểm sau: 1. Tăng cường kiểm tra các cơ sở in, các cơ sở tiêu thụ sách lậu, cương quyết bắt và xử lý; 2. Vận dụng luật hiện hành được tịch thu tang vật, có thể thu máy in, chỉ cần tịch thu vài bộ máy in đắt tiền, dân in sách lậu sẽ chùn tay, đánh thẳng vào kinh tế là cách rất tốt; 3. Công khai danh tính các cơ quan in lậu, tiêu thụ sách lậu trên mọi phương tiện: cơ quan nhà nước, báo chí.
Ông Hùng cho biết hiện Thaihabooks đang tự đi kiểm tra, tự làm việc với các cơ sở bán sách lậu, và vận động các công ty sách khác cùng phối hợp. Ông nói sắp tới có thể Thaihabooks sẽ đóng dấu doanh nghiệp vào từng cuốn sách. Khi đó, bất cứ cuốn sách nào không có dấu đỏ sẽ là sách lậu; còn nếu kẻ làm sách lậu làm cả dấu nữa thì sẽ bị khởi tố hình sự.
Nhật Minh (Theo TNO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Thách thức bủa vây thị trường chứng khoán: Xuống tiền mã ngành nào?
Giải pháp quản lý năng lượng thông minh cho doanh nghiệp
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh