Xã hội

Cán bộ nghỉ hưu vẫn giữ nhà công vụ: Cần thiết, cưỡng chế thu hồi!

Đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính khẳng định không thể nể nang; sẽ thực hiện các biện pháp mạnh, thậm chí sẽ công khai tên quan chức, để thu hồi nhà công vụ bị sử dụng sai mục đích.

Khu nhà công vụ Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: L.H.V

 Nhẹ nhõm khi trả nhà

Đó là trường hợp của ông Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội) và bà Nguyễn Thị Xuân Thu (nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, mới được luân chuyển công tác về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa). Sau khi nhận lại nhà, đơn vị quản lý đã bố trí cán bộ khác vào ở.
 
Trao đổi với PV ngày 6/5, ông Nguyễn Đức Kiên xác nhận, năm 2000, ông được phân căn hộ 306, nhà B2 khu nhà công vụ Hoàng Cầu và mới đây ông đã trả lại. Khi mới nhận nhà, chất lượng nhà và nội thất rất kém, nên gia đình ông phải tự bỏ tiền sửa chữa nhiều lần, và mua sắm vật dụng mới. “Khi trả nhà, tiền đã bỏ vào sửa xem như bỏ hết, chỉ lấy một số vật dụng chuyển đi được (bàn ghế, giường, tủ). Tuy nhiên, thực hiện đúng chính sách, về hưu trả xong nhà tôi thấy rất nhẹ nhõm”, ông Kiên nói.
 
Người níu kéo
 
Trả lời chúng tôi xung quanh việc quản lý nhà công vụ, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà công vụ, bộ này đã có văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát, thống kê, phân loại nhà ở công vụ được giao quản lý để sắp xếp cho phù hợp. Đồng thời, thực hiện thu hồi nhà ở công vụ theo quy định đối với các trường hợp sử dụng không đúng đối tượng, không đủ điều kiện, không đúng mục đích.
 
Cũng theo ông Hà, đầu tháng 4 vừa qua, những hộ hết điều kiện vẫn ở lại nhà công vụ Hoàng Cầu đã cử đại diện làm đơn xin gặp Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng để trao đổi, giải quyết vướng mắc. Trong đơn, đại diện các hộ dân cho rằng, nhà công vụ Hoàng Cầu đưa vào sử dụng trước khi có Luật Nhà ở 2005 và các Nghị định liên quan, việc quản lý còn nhiều lúng túng; khi giao căn hộ, thực chất chưa được trang bị những vật dụng cần thiết cho ở và làm việc, nhiều vị trí trong nhà chưa hợp lý…
 
Tất cả các đồng chí đã nghỉ hưu đều ý thức được việc trả lại nhà công vụ để người mới tới ở. Từ nhiều năm trước cho tới nay, những người nghỉ hưu đã gặp, gửi đơn xin trả nhà, xin thuê, mua nhà gửi các cấp có thẩm quyền mong được giải quyết chỗ ở mới, nhưng vẫn chưa được giải quyết”, bà Nguyễn Thị Phi Yến, tổ trưởng dân phố nhà công vụ Hoàng Cầu nói.
 
Không thể “nể nang”
 
Trao đổi với PV, Cục trưởng Quản lý công sản (Bộ Tài chính) ông Trần Đức Thắng cho rằng, việc các cán bộ cấp cao được phân nhà công vụ nhưng lại không ở, để cho con cháu ở hoặc đem cho thuê là vi phạm quy định. Không thể có sự nể nang hay né tránh trong việc thu hồi nhà công vụ. Tất cả đều phải thực hiện đúng theo quy định để đảm bảo sự thượng tôn pháp luật.
 
“Những quan chức đã hết nhiệm kỳ hay chuyển công tác, về hưu mà không ở, cho người khác sử dụng là đương nhiên vi phạm quy định. Với những trường hợp này, cần có biện pháp mạnh, thậm chí cưỡng chế để thu hồi nhà công vụ”, ông nói.
 
Đại diện Cục Quản lý công sản cho rằng, thời gian trước đây, sự phân công, phân cấp của cơ quan quản lý đối với nhà công vụ không hoàn toàn rõ ràng trong quy định các quyền và trách nhiệm khi sử dụng nhà công vụ. Thực tế giám sát quản lý cho thấy, có ba loại nhà công vụ khác nhau đang được sử dụng. Với những căn nhà công vụ cho cán bộ cao cấp như nhà cấp cho các lão thành cách mạng, nhà của các lãnh đạo cao cấp Đảng và Nhà nước, các Ủy viên Bộ Chính trị...khi các quan chức này nghỉ hưu, họ thường trả lại nhà ngay.
 
Theo thống kê có khoảng vài trăm căn nhà công vụ ở Hà Nội đang được phân cho các quan chức từ Thứ trưởng, Bộ trưởng hoặc tương đương trở lên. Đây là nhóm nhà công vụ được dư luận chú ý nhiều nhất. Về lâu dài, với các nhà công vụ dạng này, theo hướng của Bộ Tài chính đang xây dựng, sẽ cố gắng thực hiện khoán chi phí sử dụng nhà công vụ cho các quan chức. Theo đó, Nhà nước sẽ bảo trợ phần chi phí thuê nhà cho các quan chức được điều động hoặc luân chuyển ra Trung ương công tác.
 
Theo ông Thắng, với những quan chức được phân sử dụng nhà công vụ nhưng có khó khăn về nhà ở sau khi kết thúc nhiệm kỳ, có thể sẽ được ưu tiên bố trí xin mua nhà. Các cơ quan địa phương luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các đồng chí lãnh đạo đã có đóng góp cho đất nước mua nhà thuộc quỹ nhà ở thương mại, nhà ở xã hội ở các địa phương phù hợp với nguyện vọng của các đồng chí đó.
Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo